In bài viết

Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung: Làm thế nào liên kết tạo động lực phát triển

(Chinhphu.vn) - Cần nhanh chóng xây dựng và ban hành quy hoạch chung về phát triển kinh tế-xã hội Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2030 tầm nhìn 2050, nhất là thống nhất các chính sách ưu đãi, hỗ trợ trong thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp của Vùng.

22/07/2022 17:13
Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung: Liên kết tạo động lực phát triển - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội thảo - Ảnh: VGP/Minh Trang

Đó là ý kiến các chuyên gia nêu ra tại Hội thảo khoa học quốc gia "Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung: Liên kết tạo động lực phát triển" do Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ phối hợp cùng Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) chi nhánh Đà Nẵng, Đại học Normandie (Cộng hòa Pháp) tổ chức ngày 22/7.

Sự tụt hậu đáng báo động của vùng kinh tế hạt nhân miền Trung-Tây Nguyên

TS. Hoàng Hồng Hiệp, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ cho biết, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (KTTĐMT) gồm 5 tỉnh, thành phố, gồm: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định, được thành lập theo Quyết định số 148/2004/QĐ-TTg ngày 13/08/2004 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu "từng bước trở thành một trong những vùng phát triển năng động của cả nước, bảo đảm vai trò hạt nhân tăng trưởng và thúc đẩy phát triển khu vực miền Trung-Tây Nguyên".

Trong thời gian qua, định hướng và chính sách phát triển Vùng KTTĐMT đã được các địa phương nội vùng triển khai tích cực và đã đạt được những thành quả đáng kể trong phát triển kinh tế. Các địa phương trong Vùng đã có những nỗ lực mạnh mẽ, chủ động khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, phát huy triệt để nội lực, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế. Kinh tế các tỉnh nội vùng đã dần thoát khỏi tình trạng kém phát triển, tỉ lệ hộ nghèo giảm đáng kể.

Tuy nhiên, quá trình phát triển thời gian vừa qua cũng chỉ ra rằng, vai trò động lực, chức năng đầu tàu của Vùng KTTĐMT cho sự phát triển chung của cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên còn khá hạn chế và mờ nhạt.

Mặc dù nằm trong vùng đồng bằng duyên hải có nhiều lợi thế phát triển kinh tế, cũng như nhận được sự ưu đãi đáng kể về cơ chế chính sách từ Trung ương, song tỉ trọng đóng góp trong GDP cả nước của Vùng hết sức khiêm tốn, năm 2019 chỉ vào khoảng 7,09%, trong khi Vùng lại chiếm đến 8,4% về tổng diện tích cả nước.

Mặc dù cơ cấu kinh tế chung của Vùng đã dần dịch chuyển theo hướng hiện đại, song cơ cấu kinh tế của từng địa phương nội vùng có sự khác biệt đáng kể, ngoại trừ Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng, tỉ trọng đóng góp của ngành nông nghiệp trong GDP của Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định còn khá cao, nhất là tỉnh Bình Định. Bên cạnh đó, GDP bình quân đầu người của Vùng còn thấp hơn mức bình quân chung của cả nước.

"Điều này hàm ý một sự tụt hậu đáng báo động đối với quá trình phát triển kinh tế Vùng KTTĐMT với tư cách là vùng kinh tế hạt nhân, động lực cho cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên", TS. Hoàng Hồng Hiệp đánh giá.

Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung: Liên kết tạo động lực phát triển - Ảnh 2.

Cần có tính thống nhất, đồng bộ trong chính sách thu hút đầu tư vào KCN của Vùng - Ảnh: VGP/Minh Trang

Cần có quy hoạch chung của toàn Vùng

Theo TS. Hoàng Hồng Hiệp, quy hoạch phát triển Vùng KTTĐMT thường làm sau quy hoạch của các tỉnh, thành phố và quy hoạch các ngành, lĩnh vực dẫn đến tính tổng thể chưa cao, phân bổ chưa hợp lý. 

Quy hoạch vùng không kèm với cơ chế, cấp quản lý quy hoạch tương ứng khiến khâu giám sát thực hiện quy hoạch cấp vùng gần như để ngỏ. Bên cạnh đó, việc lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương vẫn đang theo quan điểm địa giới hành chính nên các định hướng phát triển ngành hay kết cấu hạ tầng chưa có sự thống nhất trên toàn vùng, dẫn đến đầu tư dàn trải, gây lãng phí và thiếu đồng bộ.

Chính vì thế, cần nhanh chóng xây dựng và ban hành quy hoạch chung về phát triển kinh tế-xã hội Vùng KTTĐMT đến năm 2030 tầm nhìn 2050. "Tính khoa học và thực tiễn của quy hoạch phát triển vùng được đảm bảo khi và chỉ khi có sự tham gia ngay từ đầu của các nhà khoa học, các viện nghiên cứu, các nhà quản lý từ Trung ương đến địa phương vào quá trình xây dựng quy hoạch, nhằm giảm dần hiện tượng "vừa đá bóng, vừa thổi còi" của các cơ quan quản lý nhà nước trong xây dựng quy hoạch định hướng phát triển các vùng kinh tế", TS. Hoàng Hồng Hiệp nêu.

Đồng ý kiến, PGS.TS Lê Văn Đính, Học viện Chính trị khu vực III, cho rằng Vùng KTTĐMT hiện nay rất cần chính sách thống nhất cho toàn Vùng, nhất là chính sách ưu đãi. Các chính sách ưu đãi hỗ trợ chung được đề xuất như: Ưu đãi đối với các dự án có quy mô vốn lớn và thu hút nhiều lao động; ưu đãi đối với các ngành nghề, lĩnh vực đầu tư phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Vùng, đặc biệt là phát triển công nghiệp và dịch vụ; ưu đãi cho các hình thức đầu tư mang lại nhiều lợi ích hơn cho Vùng, cần chú trọng các hình thức đầu tư nước ngoài (FDI, ODA, NGO), các hình thức BOT, BT, trong đó FDI là hình thức huy động vốn có vai trò quan trọng hiện nay.

Chính sách hỗ trợ cụ thể cần có tính thống nhất, đồng bộ trong thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN) của Vùng. Đặc biệt liên kết trong chính sách ưu đãi, hỗ trợ thu hút đầu tư phát triển KCN cần gắn với chính sách chung của Vùng về xúc tiến đầu tư. Cần hạn chế xúc tiến thương mại và đầu tư riêng lẻ từng địa phương. Các địa phương trong nội vùng có thể liên kết để tổ chức các hội nghị giới thiệu về môi trường đầu tư chung, triển lãm các sản phẩm công nghiệp, xuất bản các ấn phẩm, tờ rơi giới thiệu về môi trường đầu tư, hoạt động sản xuất công nghiệp của từng tỉnh và của cả Vùng.

Đề cập đến vấn đề liên kết du lịch, ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định cho biết, Vùng KTTĐMT có tiềm năng rất lớn cho phát triển du lịch hiện tại và tương lai. Trong quá trình phát triển, giải pháp liên kết (theo chiều dọc và chiều ngang) được xem là một trong những giải pháp quan trọng nhất góp phần khai thác hết tiềm năng, hình thành những sản phẩm, thương hiệu hấp dẫn thu hút được du khách nội địa và quốc tế với số lượng lớn, chất lượng cao.

Ông Thanh mong muốn các tỉnh và doanh nghiệp du lịch trong khu vực cần xác định thương hiệu "Con đường di sản miền Trung" và "Thiên đường du lịch biển – đảo" là thương hiệu của chính mình và của cả khu vực để quảng bá ra khắp thế giới. 

"Các thương hiệu du lịch địa phương phải dựa vào thế mạnh đặc trưng, đặc thù của địa phương mình, không tạo ra sự trùng lặp thương hiệu, cạnh tranh thương hiệu giữa các địa phương với nhau. Các địa phương phải hợp lực xây dựng thương hiệu Thiên đường du lịch biển – đảo và một số thương hiệu của địa phương thành thương hiệu chung của cả khu vực để có thể cạnh tranh với các thương hiệu, sản phẩm du lịch khu vực, quốc tế", ông Thanh nhấn mạnh.

Minh Trang