Để cùng nhìn lại chặng đường đối ngoại sôi nổi năm vừa qua cũng như triển vọng của năm mới, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh đã có buổi chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ.
Nền tảng của đối ngoại là Chính phủ kiểm soát được dịch bệnh và mở cửa
Ông đánh giá như thế nào về đối ngoại Việt Nam trong năm qua?
Ông Phạm Quang Vinh: Dịch bệnh COVID-19 đã kéo dài hơn 2 năm, nhìn lại năm qua cho thấy nền tảng của đối ngoại Việt Nam chính là việc Chính phủ đã kiểm soát được đại dịch và mở cửa giao lưu với thế giới, nối lại các hoạt động trong và ngoài nước, đây là điểm mấu chốt vô cùng quan trọng, vì nếu không kiểm soát được đại dịch thì đất nước khó có thể triển khai được các hoạt động đối ngoại trong suốt năm qua.
Thứ hai là, trong năm 2022, Việt Nam cũng phải đối diện với nhiều vấn đề phức tạp như vấn đề môi trường quốc tế, môi trường khu vực; cạnh tranh giữa các nước lớn tiếp tục gia tăng, tác động đến môi trường toàn cầu, nhưng trọng tâm địa chiến lược lại sang Châu Á- Thái Bình Dương.
Cuộc khủng hoảng Ukraine mang tính chất địa chính trị, nhưng lại tác động lớn đến kinh tế thế giới như giá dầu tăng, khan hiếm lương thực, làm khủng hoảng và làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Trong đó ASEAN cũng đứng trước những thách thức như vấn đề Myanmar vẫn tiếp diễn, vấn đề liên quan đến thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, môi trường,… tác động đến Việt Nam.
Mặc dù vậy, năm 2022, Việt Nam đã triển khai rất nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng. Sau khi chiến thắng dịch bệnh, mở cửa các hoạt động sản xuất kinh tế, xã hội trong nước, Việt Nam đã chủ động, tích cực và tiên phong mọi mặt về giao lưu quốc tế. Thể hiện rõ nhất ở hàng loạt các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao như chuyến thăm chính thức nước CHND Trung Hoa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các hoạt động về ASEAN, các chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ và Liên Hợp Quốc, châu Âu của Thủ tướng; cùng những hoạt động của các lãnh đạo cấp cao từ các nước lớn đến Việt Nam.
Những điểm quan trọng được thể hiện trong những chuyến thăm này, đó là: Nhất quán khẳng định chính sách đối ngoại của Việt Nam theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng là độc lập, tự chủ, hội nhập sâu rộng và toàn diện, đồng thời là thành viên có trách nhiệm. Qua đây, Việt Nam khẳng định mong muốn thúc đẩy quan hệ với các nước, tạo ra những quan hệ đan xen lợi ích các bên cùng có lợi và tôn trọng lẫn nhau mà trọng tâm là thu hút nguồn lực khôi phục và phát triển kinh tế.
Một điểm nữa là các chuyến thăm đã làm sâu sắc thêm quan hệ Việt Nam với các nước, trong đó có khu vực, các nước láng giềng và với các nước lớn cả trên bình diện song phương và đa phương.
Cần phải nhấn mạnh rằng, dịch bệnh và cạnh tranh nước lớn đã làm đứt gãy tất cả các chuỗi cung ứng, trong đó có hoạt động đối ngoại. Chuyến thăm của Thủ tướng đã góp phần kết nối lại và tăng cường tính bền vững của các chuỗi cung ứng; thúc đẩy nguồn lực bên ngoài đầu tư cho Việt Nam; mở rộng thị trường hàng hóa của Việt Nam ra bên ngoài; tranh thủ những ngành kinh tế mới, kết hợp giữa phát triển bền vững với phát triển bảo vệ môi trường. Những cam kết của Việt Nam về bảo vệ môi trường đã tạo đà lớn thu hút các ngành kinh tế của tương lai như phát triển xanh, phát triển sạch bao gồm phát triển hạ tầng xanh, năng lượng xanh, đầu tư xanh… giúp Việt Nam nâng cao phát triển sản xuất vào thời gian tới, để đáp ứng được yêu cầu của những thị trường khó tính trong tương lai.
Tóm lại, những hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong năm 2022 khẳng định rằng Việt Nam đã chuyển từ thích ứng dịch sang chủ động và tiên phong trong đối ngoại. Việt Nam đã thúc đẩy cả về chiều rộng lẫn chiều sâu với các đối tác chủ chốt của mình, kết hợp cả song phương và đa phương. Quan trọng hơn là Việt Nam không chỉ tạo ra một môi trường hòa bình, ổn định của mình mà còn tranh thủ được những nguồn lực cho phục hồi và phát triền, đặc biệt là tranh thủ những nguồn lực phát triển bền vững và chất lượng cao.
Quốc tế đánh giá cao vai trò và đóng góp của Việt Nam
Theo ông, điểm nhấn ấn tượng của đối ngoại Việt Nam trong năm qua là gì?
Ông Phạm Quang Vinh: Có hai điểm nhấn quan trọng của đối ngoại Việt Nam trong thời gian vừa qua.
Một là, Việt Nam tiếp tục duy trì vị thế, uy tín và trách nhiệm của mình trên trường quốc tế, các nước đều đánh giá rất cao những hợp tác song phương và đa phương với Việt Nam; các tổ chức quốc tế như ASEAN, APEC hay Liên Hợp Quốc đều đánh giá rất cao vai trò và những đóng góp của Việt Nam.
Việt Nam kiểm soát được dịch thành công và cũng đã chia sẻ với các nước để thúc đẩy phục hồi trong khu vực này. Ngoài ra, Việt Nam chia sẻ với các nước về những cam kết rất cao về thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Việt Nam cũng đã đóng góp rất nhiều vào những lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương.
Để có được những điều đó Việt Nam cũng đã phải nỗ lực rất nhiều. Khi cạnh tranh giữa các nước lớn không ngừng gia tăng, Việt Nam luôn khẳng định quan điểm cạnh tranh nhưng vẫn bảo đảm hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển; Việt Nam không chọn bên, mà chọn luật pháp quốc tế, chọn lợi ích chung khu vực, chọn lợi ích quốc gia. Việt Nam cùng các nước thúc đẩy bảo đảm tính bền vững các chuỗi cung ứng, thúc đẩy hợp tác phát triển lẫn nhau. Đặc biệt là, trước những thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hay những vấn đề như môi trường hòa bình ổn định ở khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông, Việt Nam luôn nhấn mạnh nguyên tắc phải tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển; nhấn mạnh hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải; nhấn mạnh đối thoại xây dựng lòng tin; nhấn mạnh các bên phải làm gì để không làm phức tạp thêm tình hình, những điều đó được quốc tế đánh giá rất cao.
Việt Nam vừa tranh thủ cho lợi ích quốc gia, đồng thời vừa đóng góp vào xây dựng cách ứng xử và những chuẩn mực chung của thế giới, đóng góp vào xây dựng các quan hệ quốc tế ngày càng lành mạnh, dựa trên luật pháp quốc tế và tôn trọng lợi ích của các nước có liên quan.
Hai là, Việt Nam đã triển khai hàng loạt các hoạt động cấp cao và đồng bộ trên tất cả các kênh Đảng, kênh Chính phủ, kênh Quốc hội. Thể hiện nhất trí một thông điệp lớn của đất nước là hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển và Việt Nam muốn làm bạn với các nước và sẽ đóng góp một cách có trách nhiệm với thế giới.
Trong tất cả những hoạt động đối ngoại, Việt Nam đã tranh thủ hợp tác với các nước để thúc đẩy phát triển, phát triển cho Việt Nam, phát triển cho khu vực, phát triển cho thế giới, tạo thế đan xen về lợi ích của Việt Nam với các nước và các đối tác.
Tại các điễn đàn đa phương cũng như nhiều hoạt động song phương, Thủ tướng có thông điệp về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế. Theo ông lĩnh vực ngoại giao, đặc biệt là ngoại giao kinh tế sẽ có đóng góp thế nào để hiện thực hóa thông điệp này?
Ông Phạm Quang Vinh: Cần phải chia sẻ, trao đổi để thúc đẩy cụ thể hóa các nội hàm của thông điệp này. Thứ nhất thông điệp này kế thừa những nội dung cơ bản của chính sách đối ngoại của Việt Nam phục vụ cho hòa bình và phát triển đất nước; thứ hai, thông điệp này gắn liền với hiện tại và khát vọng vươn lên như văn kiện Đại hội Đảng XIII đã nêu về xây dựng nền kinh tế Việt Nam.
Với thông điệp này, các bộ, ngành và tất cả các lực lượng làm công tác đối ngoại trên cả 3 kênh ngoại giao Đảng, Nhà nước và ngoại giao nhân dân đều phải thúc đẩy thực hiện những nội hàm đó. Để có nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế, trước hết phải vững mạnh và ổn định. Phải duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định chính trị và thúc đẩy năng lực sản xuất và phát triển của Việt Nam. Vừa qua Chính phủ đã có nhiều thông điệp về phát triển chất lượng cao hơn nữa đối với Việt Nam, kịp thời chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi sạch, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và thúc đẩy chất lượng của lực lượng lao động.
Tranh thủ ngoại lực là điều rất quan trọng và cần thiết mà công tác đối ngoại sẽ phải thực hiện, phải làm sao đáp ứng được yêu cầu cao hơn của đất nước trong chặng đường phát triển sắp tới. Việt Nam tích cực tham gia hội nhập quốc tế và đã tạo được nền tảng rất tốt, đó là những thỏa thuận về hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với các khu vực như EVFTA, CPTPP, RCEP. Việt Nam cần khai thác triệt để những lợi ích trong hợp tác khu vực để phục vụ cho sự phát triển của đất nước.
Ngoại giao cần tập trung phục vụ cho đất nước vươn lên và phát triển, chủ động hội nhập nhưng cần hướng tới chất lượng cao hơn và có chọn lọc phù hợp với những chuyển dịch của thế giới trong thời gian tới. Trong môi trường thế giới cạnh tranh, cọ sát, thách thức và cơ hội đan xen, Việt Nam cần tranh thủ những mặt có lợi cho mình. Để nhận biết đâu là cơ hội đâu là thách thức, đòi hỏi cần phải có dự báo chiến lược tốt, có đủ bản lĩnh trong trao đổi và đối thoại với các nước để từ đó nắm bắt được cơ hội.
Việt Nam vững vàng và tự tin bước vào một thế giới hội nhập
Ông dự báo gì về đối ngoại của Việt Nam trong năm 2023 và trong tương lai?
Ông Phạm Quang Vinh: Năm 2023 thách thức và cơ hội đan xen lẫn nhau, cạnh tranh nước lớn vẫn sẽ tiếp tục gay gắt, các cuộc khủng hoảng ở Ukraine, Đông Bắc Á, Bán đảo Triều Tiên, những thách thức về mặt kinh tế vẫn sẽ tiếp tục diễn biến rất phức tạp.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng có những thuận lợi nhất định như: Việt Nam đã vượt qua đại dịch và đã có đà phục hồi phát triển; đã tạo dựng được môi trường hợp tác và quan hệ rất tốt với các nước trong khu vực cũng như các trung tâm kinh tế lớn.
Với đà phát triển và môi trường ổn định của đất nước, cùng với chủ trương nhất quán của Đảng và Chính phủ, chắc chắn Việt Nam sẽ vững vàng và tự tin bước vào một thế giới hội nhập sâu rộng, tiếp tục phát huy vai trò, vị thế và uy tín của mình, tranh thủ tốt nhất các nguồn lực để thúc đẩy, củng cố môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển phục vụ cho lợi ích quốc gia dân tộc.
Hồng Nguyên-Tuấn Dũng