In bài viết

Vùng mỏ Lục Sơn (Bắc Giang) tiếp diễn tình trạng khai thác than trái phép.

Than vẫn còn vương vãi ngay cạnh những biển cấm.

20/02/2012 14:58

Khu vực vùng mỏ xã Lục Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang vẫn ngày đêm tích cực hoạt động để cho ra những mẻ than đen óng. Điều này đồng nghĩa với việc, “máu” tài nguyên ở đây vẫn chảy và công tác quản lý khai thác khoáng sản của địa phương vẫn còn buông lỏng.

Công trường vẫn rộn tiếng vang

Tới "tâm điểm" vùng khai thác than tại xã Lục Sơn, hiện ra trước mắt chúng tôi là những đống than vừa mới khai thác. Điều dễ minh chứng bởi tại một số lò ở đây vẫn đang hoạt động bình thường.

Hiện nay, mặc dù khu vực này có tới 2/4 doanh nghiệp đã bị đình chỉ, tạm dừng khai thác, đó là Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Đạt Anh và Công ty Xây dựng và Thương mại Việt Hoàng Bắc Giang, song ngay trong những ngày đầu năm mới, hoạt động khai thác than trái phép ở đây vẫn diễn ra rất sôi động. Giữa bạt ngàn rừng núi âm u nơi “thâm sơn cùng cốc”, tiếng máy vẫn rền vang rung chuyển cả núi rừng.

Ông Vũ Văn Tưởng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang cho biết, hiện Công ty Xây dựng và Thương mại Việt Hoàng Bắc Giang chưa được cấp phép khai thác trở lại sau khi UBND tỉnh có quyết định tạm dừng khai thác đối với đơn vị này. Cũng theo ông Tưởng, do Công ty này trong quá trình khai thác có vi phạm một số vấn đề theo quyết định cấp phép nên bị tạm dừng khai thác. Hiện qua kiểm tra của cơ quan chuyên môn doanh nghiệp vẫn chưa khắc phục được những tồn tại đó. Thời gian tới cơ quan chuyên môn sẽ tiếp tục kiểm tra qua đó sẽ đề xuất với UBND tỉnh có biện pháp xử lý.

Nhiều người đặt câu hỏi tại sao chưa được cấp phép trở lại mà Công ty Xây dựng và Thương mại Việt Hoàng Bắc Giang vẫn ngang nhiên khai thác? Và thực tế nhãn tiền là những xe than vẫn ùn ùn được đưa từ lò ra và ai có trách nhiệm quản lý việc khai thác này?

Cách các điểm khai thác của Công ty Xây dựng và Thương mại Việt Hoàng Bắc Giang không xa là điểm khai thác của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Đạt Anh. Doanh nghiệp này được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản than tại các khu vực Đồi Đá Cửa, Khu VI, Khe Cam, xã Lục Sơn theo quyết định số 2052/QĐ-UBND ngày 5-12-2008. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác, Công ty này đã vi phạm khoản 3 điều 39 Luật Khoáng sản và không thực hiện đầy đủ các nội dung quy định tại điều 2, điều 3 Quyết định số 2052 của UBND tỉnh Bắc Giang. Vì vậy ngày 13-5-2011, UBND tỉnh Bắc Giang đã có Quyết định số 560 thu hồi Quyết định số 2052 đối với Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Đạt Anh. Theo đó, Công ty này có trách nhiệm chấm dứt mọi hoạt động khai thác khoáng sản than tại các khu vực được cấp phép. Đồng thời, trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày ban hành Quyết định, Công ty phải di chuyển toàn bộ tài sản của mình ra khỏi khu vực và thực hiện đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường, môi sinh và đất đai khu vực mỏ theo quy định của Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ Môi trường và các quy định khác của pháp luật…Tuy nhiên, trên thực tế đến nay đã quá thời hạn quy định trong Quyết định số 560 có hiệu lực, song những gì còn lại tại khu vực này của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Đạt Anh vẫn là những lán trại có người trông coi.

Quản lý chặt chẽ, xử lý cương quyết

Được biết, mỏ than Nước Vàng, xã Lục Sơn có trữ lượng dự báo 30 triệu tấn (hiện đã có hồ sơ xác định được mỏ có trữ lượng 800 nghìn tấn). Từ năm 2006 đến nay, UBND tỉnh Bắc Giang đã cấp phép khai thác mỏ than này cho 4 doanh nghiệp. Và cũng từ đó, nạn khai thác than thổ phỉ bùng phát. Địa điểm khai thác là khu vực giáp ranh với phần diện tích các doanh nghiệp được cấp phép. Sau nhiều đợt kiểm tra, phối hợp của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương nạn khai thác than thổ phỉ đã lắng xuống nhưng ngay với cả các doanh nghiệp đã, đang và bị yêu cầu cấm khai thác vẫn đang nảy sinh những vấn đề cần được xử lý cương quyết.

Thông tin từ cơ quan chuyên môn cho biết, việc thu nộp ngân sách trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản cũng tồn tại nhiều bất cập, nhất là thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường. Việc phối hợp giữa cơ quan thuế với các cơ quan chức năng trong kiểm soát và xác định sản lượng, doanh thu thực tế của đơn vị làm căn cứ tính thuế chưa thường xuyên nên nguồn thu cho ngân sách địa phương không đáng kể, chưa bảo đảm hài hòa lợi ích nhà nước, địa phương - nơi có khoáng sản. Thực tế hiện nay lợi ích tập trung chính vào doanh nghiệp khai thác khoáng sản. Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Giang, trong 2 năm 2009- 2010, tổng số thu nộp ngân sách trong hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản của 57 tổ chức là 23,8 tỷ đồng, trong đó riêng Công ty TNHH một thành viên 45 nộp 17,6 tỷ đồng, bằng 74% tổng số thu. 56 đơn vị còn lại chỉ đóng được 6,2 tỷ. Một số đơn vị nộp rất thấp là Công ty cổ phần Xây dựng Hoàng Vân, khai thác cát sỏi ở huyện Hiệp Hòa; Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Đạt Anh, Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Việt Hoàng khai thác than tại Lục Nam…

Nguyên nhân nổi bật dẫn tới tình trạng trên là công tác phối hợp giữa các cấp, ngành trong quản lý hoạt động khoáng sản chưa chặt chẽ, đồng bộ. Chính quyền một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản, nhiều nơi có tư tưởng trông chờ ỷ lại cấp trên. Việc thanh tra, kiểm tra tình hình khai thác, kê khai nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường chưa chặt chẽ, nhất là hoạt động khai thác khoáng sản nhỏ. Kinh phí đầu tư cho công tác thăm dò, quy hoạch, quản lý khoáng sản còn hạn chế. Lực lượng làm công tác này ở một số nơi còn mỏng. Chủ sử dụng lao động thiếu quan tâm đến công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động dẫn đến ít đầu tư trang thiết bị, thực hiện không nghiêm việc kiểm tra, giám sát quy trình hoạt động. Vì vậy, khu vực này đã xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động và vụ tai nạn làm một người chết ngay trước Tết Nguyên đán Nhâm Thìn vừa qua là một ví dụ.

Khắc phục những tồn tại trên đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của ngành chức năng và chính quyền các cấp. Có như vậy mới mong hạn chế được thất thoát nguồn tài nguyên quý giá, qua đó tránh tình trạng chảy “máu” tài nguyên của địa phương.

G.B-T.M