Về vấn đề này, ông Trần Thế Quân, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Công an trả lời như sau:
Theo quy định tại Điều 14 Luật giao thông đường bộ thì khi vượt xe người điều khiển xe xin vượt phải thực hiện theo các quy định sau:
- Có báo hiệu bằng đèn hoặc còi; trong đô thị và khu đông dân cư từ 22 giờ đến 5 giờ chỉ được báo hiệu xin vượt bằng đèn.
- Chỉ được vượt khi không có chướng ngại vật phía trước, không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt, xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác và đã tránh về bên phải.
- Khi có xe xin vượt, nếu đủ điều kiện an toàn, người điều khiển phương tiện phía trước phải giảm tốc độ, đi sát về bên phải của phần đường xe chạy cho đến khi xe sau đã vượt qua, không được gây trở ngại đối với xe xin vượt.
- Khi vượt, các xe phải vượt về bên trái, trừ các trường hợp sau đây thì được phép vượt bên phải: Khi xe phía trước có tín hiệu rẽ trái hoặc đang rẽ trái; Khi xe điện đang chạy giữa đường; Khi xe chuyên dùng đang làm việc trên đường mà không thể vượt bên trái được.
Trường hợp không được vượt xe
Theo quy định, không được vượt xe khi có một trong các trường hợp sau đây:
- Không bảo đảm các quy định về chỉ được vượt khi không có chướng ngại vật phía trước, không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt, xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác và đã tránh về bên phải;
- Trên cầu hẹp có một làn xe;
- Đường vòng, đầu dốc và các vị trí có tầm nhìn hạn chế;
- Nơi đường giao nhau, đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt;
- Khi điều kiện thời tiết hoặc đường không bảo đảm an toàn cho việc vượt;
- Xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ.
Khi tham gia giao thông trên đường cao tốc
Khi tham gia giao thông trên đường cao tốc thì người điều khiển phương tiện phải thực hiện theo quy định tại Điều 26 Luật Giao thông đường bộ, cụ thể như sau:
- Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng trên đường cao tốc ngoài việc tuân thủ các quy tắc giao thông quy định tại Luật Giao thông đường bộ còn phải thực hiện các quy định sau:
Khi vào đường cao tốc phải có tín hiệu xin vào và phải nhường đường cho xe đang chạy trên đường, khi thấy an toàn mới cho xe nhập vào dòng xe ở làn đường sát mép ngoài, nếu có làn đường tăng tốc thì phải cho xe chạy trên làn đường đó trước khi vào làn đường của đường cao tốc;
Khi ra khỏi đường cao tốc phải thực hiện chuyển dần sang làn đường phía bên phải, nếu có làn đường giảm tốc thì phải cho xe chạy trên làn đường đó trước khi rời khỏi đường cao tốc;
Không được cho xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp và phần lề đường;
Không được cho xe chạy quá tốc độ tối đa và dưới tốc độ tối thiểu ghi trên biển báo hiệu, sơn kẻ trên mặt đường.
- Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải cho xe chạy cách nhau một khoảng cách an toàn ghi trên biển báo hiệu.
- Chỉ được dừng xe, đỗ xe ở nơi quy định; trường hợp buộc phải dừng xe, đỗ xe không đúng nơi quy định thì người lái xe phải đưa xe ra khỏi phần đường xe chạy, nếu không thể được thì phải báo hiệu để người lái xe khác biết.
- Người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô và máy kéo; xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/h không được đi vào đường cao tốc, trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.
Đối với trường hợp bạn hỏi, bạn không nói cụ thể tình huống xe vượt bên phải bạn như thế nào nên chúng tôi không thể trả lời việc xe sau vượt bên phải xe của bạn như câu hỏi là đúng hay sai. Trường hợp khi tham gia giao thông hai phương tiện va chạm gây ra tai nạn thì cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ làm rõ hành vi vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.
Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng cảm ơn Vụ Pháp chế - Bộ Công an đã có thông tin trả lời công dân qua Cổng TTĐT Chính phủ.
Phòng Thông tin phản ánh của tổ chức và công dân
Tin liên quan:
- Mức xử phạt khi đi vào đường ngược chiều
- Quy định về xử phạt lỗi xe không có gương chiếu hậu
- Quy định về xử phạt sử dụng còi xe vượt quá âm lượng