In bài viết

WB: Việt Nam vượt biến động toàn cầu một cách ngoạn mục

(Chinhphu.vn) - Nhận định về diễn biến các năm gần đây, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua được biến động toàn cầu một cách ngoạn mục nhờ cầu trong nước tăng và nền công nghiệp chế tạo hướng tới xuất khẩu đạt thành tích tốt.

11/04/2016 17:11
Theo WB, sau giai đoạn suy giảm năm 2012 và 2013, nền kinh tế đã tăng trưởng trở lại, đạt mức 6% năm 2014 và tiếp tục tăng lên mức 6,7% năm 2015. Về phía cầu, lạm phát thấp và niềm tin người tiêu dùng củng cố trở lại đã dẫn đến tăng tiêu dùng cá nhân.
 
Tuy nhiên, WB khá thận trọng về dự báo thời gian tới. Theo ông Sandeep Mahajan, chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, dù tốc độ tăng trưởng của Việt Nam vẫn cao so với thế giới, nhưng sẽ có sự giảm tốc do các yếu tố tác động chủ quan và khách quan.

Cụ thể, trong báo cáo Cập nhật kinh tế Đông Á-Thái Bình Dương vừa được công bố hôm nay (11/4), WB dự báo giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2016 của Việt Nam xuống còn 6,2%.

Cùng với đó, trong báo cáo mới, WB dự báo, cán cân vãng lai thâm hụt 0,6% (GDP), cán cân tài khoá thâm hụt 5,9% (GDP) và nợ công sẽ tăng từ mức 62,5% GDP năm 2015 lên 63,8% GDP năm 2016. Năm 2017, nợ công sẽ tăng lên 64,4% và năm 2018 sẽ là 64,7% GDP, lạm phát có thể ở mức 3-3,5%.

Theo ông Sandeep Mahajan, 2 yếu tố tác động đến việc hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là sự suy giảm chung của nền kinh tế toàn cầu cùng với xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long đã gây ra tăng trưởng âm ở lĩnh vực nông nghiệp trong quý I/2016. Tăng trưởng GDP quý I/2016 của Việt Nam chỉ đạt 5,46% so với mức 6,12% trong quý I/2015.
 
Hơn nữa, nhu cầu của các nước bên ngoài đối với hàng xuất khẩu giảm. Tăng trưởng xuất khẩu năm 2015 đã giảm xuống mức 8% (mức tăng năm 2014 là 13,8%) do giá thực phẩm và giá nguyên vật liệu giảm và chỉ được bù trừ phần nào bởi tăng xuất khẩu sản phẩm chế tạo.

Mặc dù viễn cảnh chung là tích cực nhưng rủi ro tiêu cực trong trung hạn vẫn tồn tại, nếu tốc độ tái cơ cấu diễn ra ở tốc độ chậm.
 
WB khuyến cáo, việc cầu bên ngoài yếu đi và bất ổn tài chính toàn cầu đòi hỏi phải liên tục chú ý kinh tế vĩ mô tốt để tránh bị ảnh hưởng của các cú sốc có thể xảy ra. Cần thực hiện ổn định tài khoá, tăng cường linh hoạt tỉ giá và nâng dự trữ ngoại tệ để giảm nhẹ những yếu tố dễ bị tổn thương này. Dù quá trình cơ cấu ngành ngân hàng đã đạt được một số tiến bộ, đã thực hiện một số thương vụ mua bán và sát nhập, nợ xấu toàn ngành ngân hàng theo báo cáo đã giảm xuống mức 3% dư nợ, nhưng kết quả giảm nợ xấu này đạt được chủ yếu do tăng trưởng tín dụng và chuyển các món nợ xấu sang Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC).  
 
Huy Thắng