In bài viết

WEF Đông Á 2012 và đóng góp tích cực của Việt Nam

(Chinhphu.vn) – Trong bối cảnh tình hình chính trị-kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp và có chiều hướng xấu thì Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới Đông Á 2012 – WEF EAST ASIA tại Thái Lan đã trở thành điểm sáng của các ý tưởng phát triển kinh tế và hợp tác.

02/06/2012 08:06

Lãnh đạo các nước Lào, Việt Nam, Thái Lan, Indonesia... tại WEF EAST ASIA 2012, Bangkok, Thái Lan. Ảnh: VPG/Nhật Bắc

WEF EAST ASIA 2012 ưu tiên hợp tác

Tham dự WEF EAST ASIA 2012, Đoàn đại biểu Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu, đã tiếp tục khẳng định vị thế Việt Nam, một thành viên tích cực, trách nhiệm của cộng đồng khu vực và thế giới.

WEF EAST ASIA  2012 có chủ đề  “Định hình tương lai khu vực thông qua kết nối” được đánh giá là phù hợp, vì trong bối cảnh khu vực Đông Á hiện nay, các nước đều đặt ưu tiên cao cho hợp tác, kết nối khu vực, coi đó là phương tiện hỗ trợ mạnh mẽ cho tăng trưởng và phát triển năng động của khu vực và mỗi nước.

Hội nghị đã thu hút 600 đại biểu là các chính khách, lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu và các học giả quốc tế đến từ 50 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đóng góp quan trọng của Việt Nam cho WEF EAST ASIA lần này qua phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đó là Việt Nam đã chia sẻ nhiều đề xuất về hợp tác khu vực như: khẳng định tầm quan trọng của hợp tác, kết nối khu vực như một nhân tố thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của các nước Đông Á, đồng thời gióp phần tạo nên sự năng động của khu vực. Các nước cần đảm bảo “tính đồng bộ” trong hợp tác khu vực, từ việc tham gia hợp tác tới hài hòa các chính sách, luật lệ, thủ tục trong các dự án kết nối kinh tế.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng khẳng định, cần phát huy hơn nữa các khuôn khổ hợp tác kết nối với ASEAN giữ vai trò trung tâm trong các khuôn khổ hợp tác như ASEAN 1, ASEAN 3, Cấp cao Đông Á…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh cần phải bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực, trong đó có hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải trên Biển Đông; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển năm 1982 của LHQ và thực hiện đầy đủ DOC, sớm tiến tới COC. Đây là những ý kiến được đại biểu tại WEF EAST ASIA  2012 đánh giá rất cao vì tính thiết thực.

Khủng hoảng Syria bùng phát

Trong một diễn biến khác, sau nhiều giờ thảo luận, sáng 28/5, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã ra tuyên bố lên án mạnh mẽ vụ thảm sát ngày 25/5 tại làng Houla, miền Trung Syria làm hơn 100 người thiệt mạng, gây phẫn nộ trong dư luận quốc tế.

Tuyên bố của LHQ yêu cầu Chính phủ Syria dừng ngay lập tức việc sử dụng vũ khí hạng nặng tại các thành phố lớn đông dân cư, rút ngay lập tức quân đội và vũ khí hạng nặng khỏi các thành phố lớn.

Như vậy, sau một thời gian ngắn lắng dịu, thì bạo lực và xung đột lại không ngừng gia tăng ở Syria, phủ bóng đen u ám lên kế hoạch hòa bình 6 điểm do Đặc phái viên Kofi Annan đề xuất.

Từ những diễn biến trên cho thấy, để kế hoạch 6 điểm thành công, các bên ở Syria phải khôi phục lòng tin, thiện chí.

Kinh tế thế giới vẫn "u ám" 

Tạp chí "Tài chính và Phát triển" của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) số tháng 6/2012 đã đưa ra bức tranh tổng thể kinh tế toàn cầu, trong đó nhấn mạnh 5 năm sau cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu lớn nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng kinh tế thế giới đầu thập kỷ 1930 của thế kỷ 20, hiện trạng của kinh tế toàn cầu vẫn ảm đạm và nguy cơ bất ổn vẫn lớn.

Trong khi đó, nhiều tín hiệu “xấu” xuất hiện từ các nền kinh tế chủ chốt của thế giới khiến dư luận lo ngại: Báo cáo chính thức được công bố ngày 1/6 cho thấy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, Trung Quốc đang lún sâu vào khó khăn khi chỉ số quản lý sức mua (PMI) tháng 4 xuống mức thấp nhất 5 tháng và giá nhà đất giảm ở 73/100 thành phố. Còn ở Ấn Độ, GDP tăng chậm nhất trong vòng 9 năm, đã buộc Chính phủ nước này thực thi các biện pháp thắt chặt chi tiêu công.

Tại Mỹ, trong phiên giao dịch ngày 30/5, lợi tức trái phiếu Chính phủ nước này kì hạn 10 năm xuống mức thấp nhất từ trước tới nay do tác động từ sự sụt giảm của thị trường cổ phiếu, tiền tệ và các mối lo ngại về tương lai của châu Âu. 

Trên thị trường tiền tệ, đồng Euro giảm 1,1% so với EUR, xuống còn 1,2368 USD/EUR, mức thấp nhất trong vòng 2 năm do các bất ổn trong việc tái cấp vốn ngân hàng của Tây Ban Nha và lo ngại về tương lai của Khu vực Eurozone. 

Nguyễn Chiến