Đền Trần Thương (huyện Lý Nhân) là di tích nhận được nhiều sự đóng góp của nhân dân cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản. |
Những năm qua, việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa theo phương thức xã hội hóa (XHH) được triển khai ở nhiều địa phương với sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, thể hiện rõ nhất ở việc tu bổ di tích, khôi phục hoạt động văn hóa, lễ hội.
Với thức tôn trọng quá khứ, lòng tự hào về tổ tiên của nhân dân, công tác XHH bảo tồn di tích đã mang lại kết quả tích cực.
Tại Hà Nam, Lý Nhân là huyện có nhiều di sản văn hóa với nhiều giá trị tiêu biểu hơn cả. Toàn huyện có trên 500 di tích, trong đó có 26 di tích cấp quốc gia, 27 di tích cấp tỉnh, 2 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia… Nhiều di tích trong số này có niên đại vài trăm năm, là niềm tự hào của nhân dân địa phương.
Thời gian, thiên tai khiến nhiều di tích bị xuống cấp cần được tu bổ, tôn tạo trong khi nguồn kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia còn hạn chế thì cần thiết phải có nguồn lực từ XHH.
Chỉ tính trong 10 năm (2010 đến 2020), số tiền thu được từ nguồn vốn XHH dành cho bảo tồn, trùng tu di tích của huyện trung bình 2,5 đến 3,5 tỷ đồng/năm (riêng năm 2020 là gần 30 tỷ đồng). Điều đó cho thấy, nhân dân ngày càng quan tâm đến việc tu bổ, tôn tạo di tích.
Tại Quảng Ninh, xu hướng XHH ngày càng được mở rộng, thu hút được nguồn lực ngoài Nhà nước để trùng tu, tôn tạo các di tích. Có công trình đã huy động được 100% vốn từ nguồn XHH như Chùa Đông Khê, chùa Phúc Nghiêm, cụm di tích khu mỏ Mạo Khê, kè bậc đá tuyến đường lên chùa Ngoạ Vân 5 (đều ở thị xã Đông Triều).
Tại Phú Thọ, trong 10 năm (2010-2020), gần 200 di tích được xếp hạng đã được tu bổ, tôn tạo trong đó có những di tích quan trọng, là không gian diễn xướng và gắn liền với 2 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ và Hát Xoan Phú Thọ (Đình Thét, đình An Thái, đàn Tịch điền, đền Du Yến, tượng đài chiến thắng Tu Vũ, đền Lăng Sương)... với tổng mức đầu tư gần 600 tỷ đồng, trong đó phần lớn từ nguồn XHH.
Ở Phú Yên, ngoài ngân sách Nhà nước, kinh phí bảo tồn di sản còn được huy động từ nguồn XXH. Một số địa phương đã thực hiện rất tốt công tác này. Chẳng hạn như đình Ngọc Lãng (TP. Tuy Hòa) là di tích được tỉnh xếp hạng bị xuống cấp nghiêm trọng. Nhưng nhờ nguồn XHH, nhiều hạng mục đã được tôn tạo. Bên cạnh đó, việc duy trì tổ chức lễ hội Vía Bà tại Tháp Nhạn cũng từ nguồn XHH…
Có thể thấy XHH bảo tồn di tích, di sản văn hóa góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân.
Tuy nhiên, trong XHH bảo tồn di sản, đâu đó vẫn còn quan niệm “cứ có tiền muốn làm gì cũng được”. Điều này dẫn đến thực tế là có nơi, người dân sẵn sàng công đức hàng tỷ đồng nhưng lại yêu cầu phá bỏ di tích cũ, xây dựng di tích mới theo thiết kế, phong cách… hiện đại. Hoặc có người cúng tiến đồ vật có giá trị hàng trăm triệu đồng nhưng không hợp với không gian văn hóa lịch sử của di tích...
Mặt khác, cũng có nơi, số tiền công đức thu bị sử dụng sai mục đích, không bảo đảm nguyên tắc kỹ thuật, mỹ thuật, kiểu dáng, phong cách nghệ thuật cổ truyền; chưa chú trọng khắc phục những phần kiến trúc đang xuống cấp, thậm chí việc trùng tu tôn tạo còn làm ảnh hưởng đến không gian kiến trúc, phá vỡ cảnh quan của di tích, làm sai lệch yếu tố gốc.
Lễ hội rước voi Đào Xá (xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ) được duy trì từ nhiều năm nay chủ yếu từ nguồn xã hội hóa. Ảnh: Báo Phú Thọ |
Di sản văn hóa là tài sản của thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau. Để thực hiện hiệu quả việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, ngoài sự quan tâm của Nhà nước, người dân cần nâng cao nhận thức trong giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa; các địa phương cần gắn kết việc giữ gìn, phát huy di sản văn hóa với việc xây dựng, giữ gìn môi trường sinh thái, đời sống văn hóa cộng đồng.
Thanh Xuân