In bài viết

Xã hội hóa huy động nguồn lực để thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh

(Chinhphu.vn) – Để đạt được mục tiêu của Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 cần nhiều nguồn ngân sách, trong đó xã hội hóa đang được xem là nguồn ngân sách quan trọng để thực hiện được mục tiêu này.

25/04/2021 15:33
Ông Bùi Xuân Huy, Tổng Giám đốc Tập đoàn Novaland (phải) trao tượng trưng số tiền 9 tỷ đồng cho tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: VGP
Theo mục tiêu của Đề án, đến hết năm 2025, cả nước trồng được ít nhất 1 tỷ cây xanh, trong đó 690 triệu cây xanh trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn; 310 triệu cây xanh trồng tập trung trong rừng phòng hộ, đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.

Nguồn ngân sách để thực hiện đề án này được xác đinh từ 3 nguồn chính. Thứ nhất là từ ngân sách Nhà nước (Trung ương, địa phương) ở các dự án đầu tư trồng rừng phòng hộ, đặc dụng và hỗ trợ trồng mới rừng sản xuất, hỗ trợ trồng rừng thay thế nương rẫy, trồng cây lâm nghiệp phân tán: Thực hiện theo chính sách đầu tư và hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước theo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025; dự án ODA, nguồn thu từ chi trả dịch vụ môi trường rừng, các nguồn sự nghiệp khác…

Cụ thể, các chương trình, dự án, kế hoạch ưu tiên để quản lý, chỉ đạo, triển khai, tuyên truyền, hỗ trợ cây giống; xây dựng hướng dẫn kỹ thuật, tập huấn; kiểm tra, giám sát, đánh giá, sơ kết, tổng kết, khen thưởng… được dự kiến chi từ Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ, chi thường xuyên được giao theo phân cấp ngân sách,…

Thứ hai là từ vốn của các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình thực hiện các dự án trồng cây xanh đô thị, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất và các tuyến đường giao thông… do chủ đầu tư, cơ quan quản lý tự thực hiện trên cơ sở các dự án, kế hoạch được duyệt.

Và đặc biệt nguồn ngân sách thứ ba là vốn xã hội hóa có vai trò quan trọng là đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng… cho các hoạt động trồng cây xanh phân tán khu vực nông thôn và các khu vực công cộng khác thông qua hỗ trợ cây giống, các tổ chức, đoàn thể và người dân tham gia lao động trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh.

Huy động vốn từ xã hội hóa, vốn đóng góp hợp pháp của các doanh nghiệp và vận động tài trợ của các tổ chức, cá nhân sẽ góp phần thực hiện mục tiêu của Đề án. Ảnh: VGP

Theo Bộ NN&PTNT, cần tăng cường xã hội hóa, thu hút mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế và lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế xã hội để thực hiện kế hoạch trồng 1 tỷ cây xanh. Trong đó, ngoài trồng rừng tập trung, cần tăng tỉ lệ trồng cây xanh phân tán tại các vùng nông thôn, khu vực đô thị, đường giao thông, công trình hạ tầng đô thị, công trình giáo dục, y tế, văn hóa, nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu văn hóa, lịch sử… bảo đảm tỉ lệ cây xanh theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Cụ thể, huy động vốn từ xã hội hóa, vốn đóng góp hợp pháp của các doanh nghiệp và vận động tài trợ của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia trồng rừng, trồng cây xanh thông qua các dự án tài trợ hoặc sáng kiến thành lập quỹ trồng cây xanh của các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội, tập đoàn kinh tế… sử dụng để mua vật tư, cây giống hỗ trợ cho các phong trào, dự án trồng cây phân tán; kêu gọi các nhà tài trợ, hợp tác quốc tế, triển khai có hiệu quả các dự án ODA đầu tư cho bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ, trồng cây xanh; tích cực huy động nguồn lực về lao động, sự tình nguyện tham gia của các tổ chức, đoàn thể, quần chúng, các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh.

Hưởng ứng chương trình “Vì một Việt Nam xanh”, là một doanh nghiệp tiên phong trong các hoạt động cộng đồng với mục tiêu phát triển bền vững, Tập đoàn Novaland dự kiến sẽ đồng hành cùng 4 tỉnh gồm Bình Thuận, Lâm Đồng, Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Nai.

Trước đó, tháng 5/2021, trong chương trình trồng 50 triệu cây xanh giai đoạn 2021-2025 tại tỉnh Lâm Đồng lần này, Novaland cùng thành viên của Nova Group là Nova Service Group sẽ tài trợ mức kinh phí hơn 11 tỷ đồng. Trong đó, Tập đoàn Novaland và hệ thống phòng tập CitiGym đóng góp 10 tỷ đồng; ngoài ra, Nova Education sẽ trao tặng hàng chục suất học bổng đến con em các hộ tham gia chương trình trồng rừng trên địa bàn tỉnh với tổng ngân sách hơn 1 tỷ đồng.

Đồng thời, Tập đoàn Novaland cũng đã cam kết đồng hành cùng với tỉnh Bình Thuận trong suốt 5 năm để trồng mới 8 triệu cây xanh tại Bình Thuận.

Đại diện Tập đoàn Novaland chia sẻ, trong suốt hành trình 29 năm hình thành và phát triển với sứ mệnh kiến tạo cộng đồng, xây dựng điểm đến, vun đắp niềm vui, Novaland luôn ý thức phát triển bền vững cùng cộng đồng và xã hội là nhiệm vụ không thể tách rời trong mọi hoạt động kinh doanh, là một nét văn hóa đã được định hướng từ những ngày đầu thành lập. Liên tiếp những năm gần đây, Novaland đã dành hàng trăm tỷ đồng cho các hoạt động hỗ trợ giáo dục, sức khỏe, an sinh xã hội và phát triển cộng đồng mang ý nghĩa lâu dài với hàng triệu người thụ hưởng trên khắp cả nước.

Novaland luôn đặt mục tiêu tham gia vào các hoạt động bền vững không chỉ ở các hoạt động sản xuất – kinh doanh của Tập đoàn mà còn tích cực tham gia vào những hoạt động an sinh xã hội, giáo dục, sức khỏe mang tính bền vững tại nhiều địa phương, như cùng các tỉnh ĐBSCL chống xâm nhập mặn và hạn hán; chương trình nước sạch học đường; trao tặng giếng nước sạch, xây dựng đường nông thôn...

Minh Thi