Dây truyền khai thác đá làm vật liệu xây dựng trên địa bàn xã Phú Mãn |
Trong mường tượng của chúng tôi, Phú Mãn vẫn là một xã nghèo nhất huyện Quốc Oai, nhưng có dịp về thăm địa phương này, những nhìn nhận đó nay đã đổi thay. Chứng kiến một Phú Mãn đang hừng hực sức sống mãnh liệt, không chịu lùi bước trong phát triển kinh tế, cho thấy sự nỗ lực vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền xã Phú Mãn nói riêng và huyện Quốc Oai nói chung. Trong câu chuyện với lãnh đạo huyện Quốc Oai chúng tôi được biết, trước đây, Phú Mãn là xã thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Quốc Oai. Bởi Phú Mãn cách xa trung tâm huyện hơn 20 km, điều kiện thổ nhưỡng chủ yếu là các vùng đất đồi gò, bạc màu khó có điều kiện phát triển nông nghiệp, tập quán canh tác thì lạc hậu, chưa có sự đầu tư cải tạo đất đai. Diện tích đất tự nhiên nhiều (890ha), nhưng trải rộng và dài giáp với huyện Lương Sơn (Hòa Bình), giao thông đi lại rất khó khăn. Hơn nữa là vùng sâu, vùng xa nên Phú Mãn không có điều kiện để tiếp nhận những tiến bộ tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới. Đây là nguyên nhân ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội của xã trong thời gian dài. Mặc dù, Phú Mãn cố gắng chuyển mình bằng cách vận động người dân trồng chè, do không có cơ sở chế biến nên cây chè đành “phá sản”, khiến người dân đã khó khăn càng thêm vất vả. Trong sản xuất nông nghiệp, do thiếu nước tưới dưỡng nên cây lúa, cây ngô, cây sắn mọc lên trên mảnh đất này cứ èo uột màu gian khó, nhất là cây lúa chỉ cấy được một vụ năng suất rất bấp bênh.
Đứng trước những khó khăn, đòi hỏi cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và người dân nơi đây tìm ra hướng đi thúc đẩy kinh tế, xã hội trên mảnh đất gian khó này. Hàng loạt phương án chuyển đổi cơ cấu kinh tế được chính quyền địa phương vạch ra từng bước phát huy tính tích cực mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhưng sự chuyển biến đậm nét nhất về phát triển sản xuất, thúc đẩy kinh tế, xã hội, cải thiện, nâng cao đời sống kể cả vật chất và tinh thần kể từ khi Chương trình 135 được tổ chức, thực hiện với vùng đồng bào dân tộc, miền núi. Chương trình 135 được triển khai đã phả luồng gió khơi dậy những tiềm năng của Phú Mãn. Từ chương trình, nhiều đề án chuyển đổi cơ cấu kinh tế tập trung phát triển cây lương thực, trọng tâm phát triển trồng trọt, chăn nuôi cây và con hiệu quả kinh tế cao ra đời. Những vùng đất đồi gò bạc màu năm xưa nay đã mọc lên cây trái bốn mùa xum xuê tươi tốt. Các kỹ năng tập quán sản xuất mới cho đồng bào các dân tộc đã tạo ra sự chuyển biến, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững... Nổi lên trong nông nghiệp ở Phú Mãn là mũi phát triển kinh tế vườn theo qui mô trang trại V.A.C. Có những hộ như gia đình bà Đinh Thị Luyện, thôn Đồng Và có tới 2 trang trại nuôi gà thương phẩm, qui mô trên 10.000 con/lứa. Từ những mô hình kinh tế trang trại V.A.C hiệu quả như của bà Luyện, người dân xã Phú Mãn đã chủ động học tập, mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi. Tính đến thời điểm này, Phú Mãn có hàng chục hộ chuyển đổi đất thành lập trang trại chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà... Qua tính, trừ các khoản phải chi phí, những hộ chăn nuôi qui mô nhỏ thu lãi từ 30 - 35 triệu đồng/năm, hộ chăn nuôi lớn lớn thu tới vài trăm triệu đồng.
Không chỉ tích cực trong chăn nuôi, người dân xã Phú Mãn còn đẩy mạnh phát triển các loại cây trồng năng suất, hiệu quả kinh tế cao thông qua việc đưa các tiến bộ khoa học, giống má cung ứng cho người dân. Trên những vùng đất đồi gò cằn cỗi, bạc màu đã được phủ xanh bằng 200 ha cây lâu năm lấy gỗ. Còn những núi đá đã có các doanh khai thác đá giải quyết việc làm, ổn định thu nhập cho hàng trăm lao động của địa phương. Có thể nói, bức tranh đời sống đồng bào dân tộc thiểu số xã Phú Mãn đã có nhiều bước tiến khởi sắc. Nhiều hộ gia đình đã trở nên sung túc, diện mạo nông thôn mới của Phú Mãn ngày càng đổi thay, các công trình phúc lợi như trụ sở làm việc, nhà văn hóa, trường học, trạm y tế, công trình nước sạch... được đầu tư nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới. Hưởng lợi từ Chương trình 135, Phú Mãn đang trỗi dậy, một hướng đi mới đang tạo cho Phú Mãn sức bật trong phát triển kinh tế, xã hội ở vùng đất đồi gò.
H. Hải