In bài viết

Xã Tân Triều (Thanh Trì): Khắc khoải vì ô nhiễm

Phân loại lông vũ tại xã Tân Triều.

20/02/2012 14:52

Đã từ nhiều năm, người dân xã Tân Triều, huyện Thanh Trì ( Hà Nội) phải sống khắc khoải trong môi trường bị bị ô nhiễm nghiệm trọng. Chính nghề phụ - phương cách sống nâng cao thu nhập cho người dân lại đem đến nhiều hậu họa khó lường…

Tân Triều là xã có nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN) từ lâu như nghề dệt thổ cẩm, nghề nhuộm, sản xuất chỉ, thu gom và tái chế phế liệu, lông vũ ở làng Triều Khúc; nghề làm giày dép thời trang ở Yên Xá. Hơn chục năm trở lại đây, cùng với các nghề truyền thống, Tân Triều còn xuất hiện và phát triển thêm nhiều ngành nghề mới như dịch vụ xây nhà cho thuê, dịch vụ ăn uống... Ngành nghề CN-TTCN phát triển đã làm cho đời sống người dân được nâng lên rõ rệt. Chủ tịch UBND xã Tân Triều Nguyễn Duy Tuấn cho biết: Xã hiện có 4.867 hộ, trên 24.000 nhân khẩu thì có tới 1.457 hộ cá thể sản xuất CN-TTCN và dịch vụ thương mại. Trong đó có khoảng 600 hộ làm các nghề thu gom, tái chế hàng phế liệu, lông vũ, dệt thổ cẩm, sản xuất chỉ... Tuy nhiên, trong số những nghề phụ truyền thống đã và đang đem lại thu nhập cao cho nông dân thì nghề dệt, nhuộm; thu gom và tái chế phế liệu, lông vũ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân.

Báo cáo về hiện trạng môi trường của UBND xã Tân Triều cho thấy, năm 2011 vừa qua, xã đã được đầu tư hàng chục tỷ đồng để cải tạo, xây mới toàn bộ hệ thống đường giao thông gắn với hệ thống thoát nước trục xã và liên xã, liên thôn nhưng môi trường vẫn chưa được cải thiện do toàn bộ lượng nước từ nghề phụ thải ra đều không được xử lý, thải trực tiếp ra kênh, mương thoát nước của làng.

Tại khu Nghĩa trang Giò Gà, xóm Cầu, làng Triều Khúc - nơi có hàng chục hộ thu mua, chế biến hàng lông vũ (lông gà, lông vịt, lông ngan) theo phương pháp thủ công, mùi hôi bốc lên nồng nặc từ những đống lông vũ, bụi lông vũ bay mù mịt khắp cả một vùng, nước thải đen ngòm, lộ thiên. Con đường bê tông chạy qua khu đồng được các hộ dân tận dụng tối đa làm sân phơi lông vũ. Theo bà Triệu Thị Hiền, một trong những chủ thu mua, chế biến lông vũ lớn nhất ở xóm Cầu, nghề này là nghề truyền thống ở Triều Khúc. Nhiều hộ có tới 4 đời gắn bó với nghề thu mua, chế biến lông vũ. Cách đây hơn chục năm, hầu như các hộ trong xóm làm nghề ngay tại gia đình. Vài năm gần đây, đất đai thu hẹp, nghề lại gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nên số hộ làm nghề giảm dần. Để hạn chế ô nhiễm môi trường, nhiều hộ dân sang các địa phương lân cận thuê đất làm nghề, một số khác chuyển ra khu nghĩa trang của xã. Hiện bình quân thu nhập của một lao động làm nghề này tại Triều Khúc khoảng 180.000-200.000 đồng/ngày.

Xóm Chùa, thôn Triều Khúc chật hẹp, tiếng máy xay nhựa phế liệu ồn ã của một số hộ làm nghề thu mua và tái chế phế liệu đã phá tan không gian yên ả. Chị Đào Thị Chiến, 12 năm làm chủ thu gom và tái chế nhựa phế liệu cho biết, chi phí sản xuất và vận chuyển ngày càng tăng, thu nhập từ nghề không bao nhiêu nhưng đây là nghề truyền thống của cha ông từ bao đời nên phải giữ. Theo chị Chiến, trước đây xóm Chùa có gần 30 hộ làm nghề, nay do quá trình tái chế nhựa phát ra tiếng ồn lớn ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ dân xung quanh, các hộ không có kinh phí xây dựng hệ thống xử lý nước, chất thải nên nhiều hộ bỏ nghề, hiện chỉ còn 10 hộ làm nghề này.

Vẫn mùi hôi bốc lên nồng nặc, vẫn tiếng máy xay ầm ã xóm thôn, người dân Tân Triều vẫn hàng ngày, hàng giờ chịu sống trong không gian tù đọng, ô nhiễm. Không thể bỏ nghề vì đó vừa là nghề truyền thống, lại có thu nhập thêm. Thực trạng ô nhiễm làng nghề vẫn còn là bài toán khó, sớm cần lời giải.

Bình Minh – Lê An