In bài viết

Xác định địa giới hành chính giữa tỉnh Hòa Bình và tỉnh Ninh Bình tại 2 khu vực

(Chinhphu.vn) - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về việc xác định địa giới hành chính giữa tỉnh Hòa Bình và tỉnh Ninh Bình tại hai khu vực do lịch sử để lại.

26/05/2020 16:01

Cụ thể, đường địa giới hành chính giữa tỉnh Hòa Bình và tỉnh Ninh Bình tại khu vực đền Cát Đùn, giáp ranh giữa xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình và xã Xích Thổ, huyện Nho Quan; xã Gia Hưng, xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình được thể hiện trên 01 mảnh bản đồ địa hình tỷ lệ 1:10.000 hệ tọa độ quốc gia VN-2000 có phiên hiệu  F-48-92-B-a-4 do Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập năm 2011, là đường địa giới hành chính cấp tỉnh được tô bo màu hồng, khởi đầu từ điểm địa giới tỉnh Hòa Bình và tỉnh Ninh Bình đã thống nhất tại đỉnh núi Mặt Quỷ có độ cao 275,2 m, theo hướng Đông Nam, đi theo sống núi qua các đỉnh núi có độ cao 200,7 m; 251,4 m; 266,1 m, qua cửa Tráp rồi qua các đỉnh núi có độ cao 203,7 m; 239,6 m; 273,5 m, chuyển hướng Đông Bắc theo sống núi đến yên ngựa, chuyển hướng Bắc - Tây Bắc đi theo khe đến gặp suối, đi giữa suối đến gặp điểm thờ cúng tâm linh (điểm thờ cúng tâm linh do tỉnh Ninh Bình quản lý), tiếp tục đi giữa suối đến gặp đường tụ thủy, chuyển hướng Đông - Đông Bắc đi thẳng lên đỉnh núi có độ cao 384,9 m, chuyển hướng Nam - Đông Nam, Tây Nam và Đông Nam đi theo sống núi qua các đỉnh núi có độ cao 324,7 m; 322,3 m; 271,9 m; 283,3 m; 291,4 m; 285,9 m; 293,6 m; 303,7 m đến đỉnh 297,3 m là điểm địa giới tỉnh Hòa Bình và tỉnh Ninh Bình đã thống nhất.

Đường địa giới hành chính giữa tỉnh Hòa Bình và tỉnh Ninh Bình tại khu vực Chín quả đồi Lim, giáp ranh giữa xã Đoàn Kết, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình và xã Thạch Bình, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình nằm trên 01 mảnh bản đồ địa hình tỷ lệ 1:10.000 hệ tọa độ quốc gia VN-2000 có phiên hiệu F-48-92-A-b-4 do Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập năm 2011, là đường địa giới hành chính cấp tỉnh được tô bo màu hồng, khởi đầu từ điểm địa giới tỉnh Hòa Bình và tỉnh Ninh Bình đã thống nhất tại ngã ba giữa sông Lạng với nhánh của sông Lạng, phía Nam đồi cao 21,6 m, theo hướng Bắc - Tây Bắc, đi giữa sông Lạng đến điểm ngoặt của sông Lạng, chuyển hướng Đông Bắc đến bờ ao, đi theo phía Nam bờ ao đến giao điểm bờ ao với đường tụ thủy, theo khe đến đỉnh núi có độ cao 71,3 m, chuyển hướng Bắc - Đông Bắc, theo sống núi xuống chân núi gặp đường đất, theo hướng Tây Bắc đi giữa đường đất đến giao điểm giữa đường đất với tụ thủy, chuyển hướng Bắc - Đông Bắc đi theo khe đến đỉnh núi có độ cao 71,6 m, tiếp tục theo sống núi đến đỉnh núi có độ cao 71,3 m, chuyển hướng Bắc - Tây Bắc theo sống núi qua các đỉnh núi có độ cao 67,1 m; 61,0 m; 41,8 m; 51,3 m xuống gặp suối, đi giữa suối, khe, chuyển hướng Tây Nam đi giữa suối, rồi cắt thẳng ra đến giữa sông Lạng là điểm địa giới tỉnh Hòa Bình và tỉnh Ninh Bình đã thống nhất.

Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết này; theo dõi, kiểm tra và tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình căn cứ Nghị quyết này xác định cụ thể đường địa giới hành chính trên thực địa và chuyển vẽ lên bản đồ địa giới hành chính hệ tọa độ quốc gia VN-2000 để quản lý.

Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hòa Bình và tỉnh Ninh Bình có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết; tuyên truyền, vận động, thuyết phục, tạo sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết.

Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình hoàn thành việc xác định địa giới hành chính tại hai khu vực do lịch sử để lại trong quý IV năm 2020.

Chí Kiên