Thông tư 56/2022/TT-BTC quy định rõ về phân loại mức tự chủ tài chính và xác định mức tự bảo đảm chi thường xuyên của đơn vị sự nghiệp công.
Theo đó, đơn vị sự nghiệp công được phân loại theo mức độ tự chủ tài chính quy định tại Điều 9 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP gồm:
Đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (đơn vị nhóm 1);
Đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị nhóm 2);
Đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (đơn vị nhóm 3);
Đơn vị do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị nhóm 4).
Các đơn vị sự nghiệp công thực hiện xác định mức độ tự bảo đảm chi thường xuyên theo công thức như sau:
Mức tự bảo đảm chi thường xuyên (%) |
= | A –––––– |
x 100% |
| B |
|
Trong đó:
A là tổng các khoản thu xác định mức độ tự chủ tài chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP bao gồm:
Nguồn thu từ cung cấp hoạt động dịch vụ sự nghiệp công thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước;
Nguồn thu thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ khi được cơ quan có thẩm quyền tuyển chọn hoặc giao trực tiếp theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ (áp dụng đối với tổ chức khoa học và công nghệ công lập);
Nguồn chênh lệch thu lớn hơn chi (sau khi đã thực hiện các nghĩa vụ với nhà nước) từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước; từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; hoạt động liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật; nguồn thu phí được để lại chi thường xuyên theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí; thu từ cho thuê tài sản công; thu từ lãi tiền gửi ngân hàng...
B là tổng các khoản chi xác định mức độ tự chủ tài chính theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 10 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP (trong đó, bao gồm cả các khoản chi để thực hiện nhiệm vụ đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, chi thực hiện các chính sách miễn, giảm học phí theo quy định, chi thường xuyên phục vụ dịch vụ thu phí theo quy định).
Một số nội dung chi xác định như sau:
Chi tiền lương ngạch, bậc, chức vụ, các khoản đóng góp theo lương và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định theo số lượng người làm việc được giao hoặc số lượng vị trí việc làm được phê duyệt; chi tiền công theo hợp đồng vụ việc (nếu có);
Chi thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ khi được cơ quan có thẩm quyền tuyển chọn hoặc giao trực tiếp theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ (áp dụng đối với tổ chức khoa học và công nghệ công lập);
Chi hoạt động chuyên môn; chi quản lý; chi bảo trì, bảo dưỡng tài sản thường xuyên, chi mua sắm đảm bảo hoạt động thường xuyên từ nguồn kinh phí giao tự chủ và các khoản chi thường xuyên khác...
Đơn vị sự nghiệp công xây dựng phương án tự chủ tài chính và đề xuất phân loại mức độ tự chủ tài chính của đơn vị; lập dự toán thu, chi năm đầu thời kỳ ổn định theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này; báo cáo cơ quan quản lý cấp trên (đơn vị dự toán cấp I) theo Phụ lục số 2 ban hành kèm theo Thông tư này.
Căn cứ phương án tự chủ tài chính do đơn vị đề xuất, cơ quan quản lý cấp trên tổng hợp, thẩm tra phương án phân loại mức độ tự chủ tài chính và dự toán thu, chi của các đơn vị trực thuộc, gửi cơ quan tài chính cùng cấp để xem xét, có ý kiến theo quy định tại khoản 3 Điều 35 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ;
Việc giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công được ổn định trong thời gian 05 năm, phù hợp với giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội. Thời kỳ ổn định tự chủ tài chính lần đầu được áp dụng đến năm 2025.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11/2022.
Lan Phương