In bài viết

Xác định phạm vi đại diện theo pháp luật

(Chinhphu.vn) - Chúng tôi đề xuất giữ nguyên khoản 1, Điều 144 Bộ luật Dân sự (BLDS) hiện hành, đồng thời nên bỏ ra khỏi dự thảo quy định “ trường hợp phạm vi quyền đại diện không được xác định cụ thể thì bên đại diện có quyền nhân danh bên được đại diện xác lập, thực hiện hành vi cần thiết, hợp lý trong quản lý tài sản, đáp ứng nhu cầu thiết yếu và bảo vệ quyền, lợi ích của bên được đại diện ”.

23/03/2015 13:30
Tầm quan trọng của việc xác định phạm vi đại diện

Trong giao dịch dân sự, chúng ta thường xuyên phải vận dụng cơ chế đại diện, tức là việc một người nhân danh và vì lợi ích của người khác xác lập, thực hiện giao dịch với người thứ ba. Khi giao dịch được xác lập, thực hiện phù hợp với phạm vi đại diện thì người được đại diện chịu sự ràng buộc của giao dịch. Ngược lại, nếu giao dịch được xác lập, thực hiện ngoài phạm vi đại diện thì, về nguyên tắc, người được đại diện không chịu ràng buộc bởi giao dịch được xác lập, thực hiện trên danh nghĩa của họ. Chính vì vậy, việc xác định phạm vi đại diện của người đại diện rất quan trọng trong thực tế đời sống.

Nếu là đại diện theo ủy quyền (như A ủy quyền cho B bán tài sản của mình cho người thứ ba), phạm vi đại diện được xác định theo ủy quyền và khi có khó khăn thì chỉ cần giải thích việc ủy quyền. Còn nếu là đại diện theo pháp luật (tức đại diện theo quy định của pháp luật như đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hay quyết định của cơ quan có thẩm quyền như quyết định của Tòa án đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự), chúng ta phải dựa vào quy định của pháp luật và bài viết này chỉ tập trung vào xác định phạm vi đại diện theo pháp luật. Để hiểu rõ vấn đề, chúng ta cùng nhau nghiên cứu một vụ việc đã gặp phải trong thực tiễn xét xử Việt Nam.

Cụ thể, trong Điều lệ của Công ty TL có nội dung “tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại của công ty trên lãnh thổ Việt Nam được giải quyết tại Tòa án có thẩm quyền theo quy định của pháp luật Việt Nam”. Công ty này có người đại diện theo pháp luật là Tổng Giám đốc và Tổng Giám đốc công ty TL đã xác lập hợp đồng với một công ty khác của Việt Nam. Trong hợp đồng mà người đại diện theo pháp luật của Công ty TL xác lập có thỏa thuận chọn Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam khi có tranh chấp. Thực tế, các bên có tranh chấp và bên đối tác kiện ra Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam nhưng Công ty TL không đồng ý với lý do “việc Tổng giám đốc Công ty TL ký thỏa thuận chọn Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam tại Điều 13.3 của hợp đồng bán lẻ là vượt quá thẩm quyền và cho rằng thỏa thuận trọng tài này bị vô hiệu” (về vụ việc này, xem thêm Đỗ Văn Đại: Luật hợp đồng Việt Nam-Bản án và bình luận bản án, Nxb. CTQG 2013 (tái bản lần thứ tư), Bản án số 21-24).

Sự khác nhau giữa Bộ luật dân sự và dự thảo

Về vấn đề đang được quan tâm, đối với BLDS hiện hành, chúng ta có quy định tại khoản 1 Điều 144 theo đó: “Người đại diện theo pháp luật có quyền xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của người được đại diện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Như vậy, để biết người đại diện theo pháp luật có thẩm quyền xác lập, thực hiện một giao dịch nhất định hay không (như trong ví dụ trên là Tổng Giám đốc Công ty TL có được ký thỏa thuận trọng tài hay không), chúng ta xem có “pháp luật có quy định khác” hay không. Nếu pháp luật không có quy định khác thì được suy luận rằng giao dịch này thuộc phạm vi đại diện của người đại diện theo pháp luật. Trong ví dụ nêu trên, không có quy định nào của pháp luật không cho phép đại diện của Công ty TL xác lập thỏa thuận trọng tài và điều lệ của công ty nêu trên không là quy định của “pháp luật”. Do đó, Tổng Giám đốc có quyền đại diện công ty xác lập thỏa thuận trọng tài và thực tế, Tòa án Nhân dân TPHCM đã theo hướng này khi Công ty TL khiếu nại ra Tòa án nhân dân TPHCM. Cụ thể: Tòa án cho rằng lập luận của Công ty TL “là không có cơ sở. Vì Điều lệ của Công ty TL là quy định nội bộ của công ty. Khi công ty quan hệ với đối tác là Công ty S. Việt Nam, Tổng Giám đốc kiêm đại diện theo pháp luật của Công ty TL đã tự nguyện chọn Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam giải quyết tranh chấp, thỏa thuận này phù hợp với khoản 3, Điều 317 Luật Thương mại, phù hợp với Điều 9 Pháp lệnh Trọng tài thương mại, Điều 16 Luật Trọng tài thương mại”.

Đối với vấn đề nêu trên, dự thảo sửa đổi BLDS có quy định khác, sẽ kéo theo những hệ quả khác. Cụ thể, theo Điều 156 dự thảo về Phạm vi quyền đại diện, “phạm vi quyền đại diện được xác định theo nội dung ủy quyền, theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc theo quy định của pháp luật” và "trường hợp phạm vi quyền đại diện không được xác định cụ thể thì bên đại diện có quyền nhân danh bên được đại diện xác lập, thực hiện hành vi cần thiết, hợp lý trong quản lý tài sản, đáp ứng nhu cầu thiết yếu và bảo vệ quyền, lợi ích của bên được đại diện”. Nếu quy định này của dự thảo được thông qua, chúng ta phải xem xét thỏa thuận chọn trọng tài nêu trên có “cần thiết, hợp lý trong quản lý tài sản, đáp ứng nhu cầu thiết yếu và bảo vệ quyền, lợi ích của” Công ty TL hay không.

Hạn chế của dự thảo và đôi điều đề xuất

Hướng như dự thảo nêu trên là không thuyết phục vì không tạo an toàn pháp lý trong giao lưu dân sự. Làm sao để người thứ ba (như trong vụ việc nêu trên là Công ty S. Việt Nam) biết được thỏa thuận trọng tài trên có “cần thiết, hợp lý trong quản lý tài sản, đáp ứng nhu cầu thiết yếu và bảo vệ quyền, lợi ích của” Công ty TL hay không trong khi điều lệ lại quy định là giải quyết tranh chấp tại Tòa án. Hơn nữa, đối tác của Công ty TL không phải lúc nào cũng biết được điều lệ của Công ty TL để biết rằng công ty này giới hạn thẩm quyền của người đại diện theo pháp luật. Với hướng của dự thảo, rủi ro sẽ đè nặng vào đối tác của công ty trong khi đó điều lệ có thể được thay đổi ở bất kỳ thời điểm nào và thật khó cho đối tác mỗi lần làm việc với Công ty TL lại phải nghiên cứu toàn bộ điều lệ của công ty, điều không khả thi trong giao lưu dân sự.

Hướng của dự thảo cũng không phù hợp với xu hướng trên thế giới về đại diện. Từ năm 1968, một chỉ thị của châu Âu đã theo hướng công ty chịu sự ràng buộc của giao dịch do cơ quan của mình xác lập ngay cả khi giao dịch này vượt quá phạm vi mục đích hoạt động của công ty. Ở Pháp, để bảo vệ cho người thứ ba, án lệ Pháp đã phải can thiệp để cho rằng “trong mối quan hệ với người thứ ba, công ty chịu sự ràng buộc của giao dịch do chủ tịch hội đồng quản trị xác lập cho dù không phù hợp với mục đích hoạt động của công ty, trừ trường hợp người thứ ba đã biết hoặc đã phải biết giao dịch đó vượt quá mục đích hoạt động” (CA Orléans, ch. com., 24 nov. 2011, n° 10/03266). Ở đây, chúng ta thấy họ hướng tới bảo vệ người thứ ba rất triệt để.

Nếu dùng phương pháp so sánh thì pháp luật nước ngoài nêu trên bảo vệ người thứ ba tốt hơn BLDS hiện hành của chúng ta và BLDS hiện hành của chúng ta bảo vệ người thứ ba tốt hơn dự thảo sửa đổi BLDS. Điều đó có nghĩa là chúng ta hiện nay đã kém hơn thiên hạ và dự thảo có nguy cơ làm cho tình hình còn kém hơn nữa.

Từ những phân tích trên, chúng ta thấy việc dự thảo sửa đổi BLDS sẽ làm cho tình hình “tồi tệ hơn” so với BLDS. Đã có quá nhiều giao dịch bị vô hiệu hóa xuất phát từ quy định về đại diện, đã có quá nhiều phán quyết trọng tài bị hủy hay không được công nhận xuất phát từ quy định về đại diện trong BLDS hiện hành.

Với kinh nghiệm từ khi làm Trọng tài viên đã giải quyết nhiều tranh chấp và Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học pháp lý của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (nơi giải quyết rất nhiều tranh chấp về giao dịch được xác lập thông qua đại diện), tôi cho rằng quy định mới sẽ là “cái bẫy nguy hiểm” đối với người ngay tình và sẽ là công cụ hữu hiệu cho người có “tà tâm” đi “lừa” người khác thông qua các quy định mang tính “nội bộ” như tòa án đã nêu trong vụ việc trên.

Nói cách khác, nếu chúng ta thay đổi về cách xác định phạm vi đại diện như dự thảo nêu trên thì tình hình có nguy cơ tồi tệ hơn so với BLDS hiện hành đối với sự an toàn pháp lý trong giao lưu dân sự.

Do đó, chúng tôi đề xuất giữ nguyên khoản 1 Điều 144 BLDS hiện hành (nêu trên) vì điều khoản này đã phát huy ưu điểm như vụ việc nêu trên đã cho thấy. Đồng thời chúng ta nên bỏ ra khỏi dự thảo quy định “trường hợp phạm vi quyền đại diện không được xác định cụ thể thì bên đại diện có quyền nhân danh bên được đại diện xác lập, thực hiện hành vi cần thiết, hợp lý trong quản lý tài sản, đáp ứng nhu cầu thiết yếu và bảo vệ quyền, lợi ích của bên được đại diện”. Điều đó có nghĩa là, thay vào vị trí của quy định này trong dự thảo, chúng ta lấy lại quy định cũ theo đó “Người đại diện theo pháp luật có quyền xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của người được đại diện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

PGS. TS. Đỗ Văn Đại

Trưởng Khoa Luật Dân sự - ĐH Luật TPHCM