Các đại biểu dự Hội nghị Trung ương 8 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Như chúng ta đều biết, đối với nước ta, biển, đảo không chỉ là bộ phận cấu thành chủ quyền, quyền chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, mà còn là không gian sinh tồn và phát triển của các thế hệ người Việt Nam. Các vùng biển nước ta có vị trí địa chính trị, địa quân sự, địa kinh tế quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Thế kỷ 21 được coi là kỷ nguyên của đại dương, việc "vươn ra biển" đã trở thành xu thế lớn, định hướng quan trọng của các quốc gia có biển và cả quốc gia không có biển.
Nắm bắt xu thế chung đó của thế giới, khu vực và xuất phát từ yêu cầu của thực tế xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khoá X (tháng 2/2007) đã ban hành Nghị quyết số 09 về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, trong đó xác định rõ quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, định hướng chiến lược và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về phát triển các ngành, lĩnh vực liên quan đến biển, đảo Việt Nam, nhằm đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển.
Thực hiện sự phân công của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, thời gian qua, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã khẩn trương, nghiêm túc lãnh đạo, chỉ đạo các ban cán sự đảng các bộ, ngành, địa phương có liên quan tích cực tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09, phân tích, dự báo bối cảnh tình hình mới ở trong nước, khu vực và thế giới thời gian tới; từ đó đề xuất với Trung ương xem xét, ban hành Nghị quyết mới về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đây là vấn đề hết sức hệ trọng, liên quan đến phát triển kinh tế biển gắn với phát triển xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển.
Việc trình Trung ương xem xét, ban hành nghị quyết mới về chiến lược kinh tế biển Việt Nam là hết sức quan trọng và cần thiết, không chỉ xuất phát từ thực tế Nghị quyết số 09 giới hạn thời gian đến năm 2020 mà còn do nhiều lý do khách quan, chủ quan khác như: Tình hình quốc tế, khu vực và trong nước đã và đang có nhiều thay đổi đòi hỏi phải có sự bổ sung, phát triển về quan điểm và điều chỉnh về mục tiêu cụ thể, định hướng phát triển một số ngành, lĩnh vực kinh tế biển. Các nội dung về phát triển kinh tế biển có quan hệ hữu cơ, chặt chẽ với các vấn đề của toàn bộ nền kinh tế đất nước, cần được phổ biến, quán triệt sâu rộng trong toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân để từ đó nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của toàn xã hội trong việc quản lý, khai thác, bảo tồn, phát huy có hiệu quả mọi tiềm năng, lợi thế của biển Việt Nam.
Việc ban hành nghị quyết sẽ định hướng cho việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách, pháp luật và các chương trình, đề án, dự án tổ chức thực hiện của Chính phủ, các địa phương và các cơ quan liên quan, đặc biệt là việc huy động nguồn lực trong Kế hoạch đầu tư trung hạn cho phát triển kinh tế biển và ven biển, phù hợp với Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Hội nghị nghiên cứu, thảo luận thật kỹ, toàn diện các vấn đề để thống nhất nhận định, đánh giá về những kết quả đã đạt được, những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tế 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09; phân tích, dự báo tình hình thế giới, trong nước thời gian tới. Từ đó, xác định quan điểm, mục tiêu, định hướng Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Chú ý tập trung làm rõ nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, yếu kém như: Một số chỉ tiêu phát triển kinh tế biển và ven biển khó đạt được vào năm 2020. Một số ngành, lĩnh vực kinh tế biển được xác định ưu tiên đầu tư nhưng phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng ven biển, nhất là hệ thống cảng biển và mạng lưới giao thông kết nối còn dàn trải, kém hiệu quả, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.
Quy hoạch các khu vực ven biển và một số ngành, lĩnh vực còn nhiều bất cập. Nguy cơ ô nhiễm môi trường biển, đảo vẫn lớn; biến đổi khí hậu, nước biển dâng diễn biến phức tạp và có tác động tiêu cực ngày càng rõ nét. Đầu tư cho điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học-công nghệ và phát triển nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Quản lý nhà nước về biển, đảo còn lúng túng, hiệu lực, hiệu quả chưa cao…
Nguyễn Hoàng