Phó Thủ tướng yêu cầu mỗi địa phương có thể xác định và phát triển một số sản phẩm chủ lực, bao gồm sản phẩm chủ lực của vùng, của quốc gia và sản phẩm chủ lực đặc thù của địa phương. Việc phát triển sản phẩm chủ lực ở các địa phương phải có sự gắn kết với nhau và gắn với phát triển sản phẩm quốc gia.
Sản phẩm chủ lực của vùng thuộc ngành, lĩnh vực nào do Bộ quản lý ngành đó chịu trách nhiệm xác định và tổ chức chỉ đạo phát triển. Đối với sản phẩm chủ lực của địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm xác định và tổ chức chỉ đạo phát triển.
Các Bộ, ngành, địa phương cần chú trọng công tác đào tạo, tập huấn, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Phó Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương tổ chức hội thảo chuyên đề về việc tham gia của doanh nghiệp vào chuỗi nghiên cứu khoa học - sản xuất - tiêu thụ sản phẩm chủ lực phục vụ phát triển bền vững vùng, địa phương.
Bộ Khoa học và Công nghệ cũng được giao nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất giải pháp tăng cường kết nối cung - cầu, nâng cao khả năng và hiệu quả hợp tác giữa người sản xuất, doanh nghiệp, địa phương và các đơn vị nghiên cứu.
Thời gian qua, nhờ ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, hàng loạt sản phẩm có chất lượng của Vùng đồng bằng sông Hồng mang tính cạnh tranh cao đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường như: mô hình nuôi cá rô phi hàng hóa tập trung cho lãi suất 35-40 triệu đồng/ha; mô hình xử lý rơm rạ làm phân hữu cơ vi sinh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại tỉnh Hải Dương; mô hình sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu tại các vùng đất hai lúa của Hà Nam; các sản phẩm mộc Ninh Phong, đá mỹ nghệ Ninh Vân, cói và rượu Kim Sơn – Ninh Bình, các sản phẩm cơ điện Hà Nội, sơn tàu biển, sơn giao thông của các doanh nghiệp Hải Phòng. |
Phương Hiển