Ngày 21/7, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 của Chính phủ 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 và đánh giá kết quả thí điểm ứng dụng xác thực sinh trắc học.
Nhấn mạnh đến trọng tâm việc chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam thời gian qua là việc triển khai Đề án 06, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, đây là đề án quan trọng, đột phá, tạo ra nhiều tiện ích, dịch vụ, mang lại lợi ích thiết thực, phục vụ người dân, doanh nghiệp, các cơ quan Trung ương, địa phương.
"Qua 1,5 năm triển khai, Đề án đã mang lại rất nhiều kết quả tích cực; người dân, doanh nghiệp, các ngành, các cấp được thụ hưởng nhiều tiện ích. Đây là tiền đề cho việc triển khai nhiệm vụ cho các năm tiếp theo", Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết.
Báo cáo của BHXH Việt Nam cho thấy, hiện BHXH Việt Nam triển khai 28 hệ thống ứng dụng phục vụ nghiệp vụ, bảo đảm 100% nghiệp vụ của ngành thực hiện trên phần mềm ứng dụng; 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan được thực hiện dưới dạng điện tử, được ký số bởi chữ ký số chuyên dùng Chính phủ; 100% hồ sơ được tạo lập, lưu trữ, chia sẻ dữ liệu điện tử theo quy định.
BHXH Việt Nam cũng kết nối với hơn 13.000 cơ sở KCB BHYT trên toàn quốc để tiếp nhận dữ liệu đề nghị thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT; hơn 620.000 doanh nghệp giao dịch điện tử với cơ quan BHXH thông qua cổng thông tin điện tử.
Đến nay, toàn quốc có gần 30 triệu tài khoản giao dịch điện tử cá nhân (dùng để đăng nhập, sử dụng ứng dụng VssID) được phê duyệt, hơn 4 triệu lượt sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để khám chữa bệnh BHYT.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn ngành BHXH Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý 45 triệu hồ sơ giao dịch điện tử (chiếm 87% tổng số hồ sơ cả trực tiếp và trực tuyến được tiếp nhận và xử lý).
Tính đến ngày 15/7, hệ thống đã xác thực được hơn 88 triệu thông tin nhân khẩu trong CSDL do BHXH Việt Nam quản lý (trong đó có hơn 80 triệu người đang tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, chiếm 91% tổng số người tham gia) với CSDL quốc gia về dân cư. Đồng thời, hệ thống của BHXH Việt Nam đã cung cấp, chia sẻ gần 124 triệu lượt bản ghi thông tin BHXH, BHYT cho CSDL quốc gia về dân cư.
Triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip (đạt 97,7% tổng số cơ sở KCB BHYT trên toàn quốc), với hơn 32 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD thành công phục vụ làm thủ tục khám chữa bệnh BHYT.
Thực hiện thí điểm 2 TTHC liên thông, tính đến ngày 15/7, BHXH 2 địa phương triển khai làm điểm (Hà Nam và Hà Nội) đã tiếp nhận và giải quyết hơn 45.000 hồ sơ đề nghị cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và 1.576 hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng mai táng phí được thực hiện qua 2 nhóm dịch vụ công liên thông. Với việc thực hiện 1 lần được 3 TTHC, đã giúp tiết kiệm 1,6 tỷ đồng chi phí tuân thủ TTHC cho người dân.
Đáng chú ý, BHXH Việt Nam đang phối hợp với Bộ Công an triển khai các công nghệ xác thực sinh trắc dựa trên thông tin sinh trắc được tích hợp trên CCCD gắn chip và trên dữ liệu của CSDL quốc gia về dân cư để hạn chế và ngăn chặn trục lợi khi đóng, hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
BHXH Việt Nam đã nâng cấp, điều chỉnh cổng tiếp nhận (thuộc Hệ thống giám định BHYT) và phần mềm tiếp nhận và quản lý hồ sơ để tích hợp công nghệ xác thực sinh trắc; đã triển khai thí điểm tích hợp công nghệ xác thực sinh trắc trong khám chữa bệnh BHYT tại Quảng Bình và Hà Nội, triển khai xác thực sinh trắc trong tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa của BHXH tỉnh Bình Dương và BHXH quận Đống Đa, Hà Nội.
Tại Hội nghị, với kinh nghiệm từ thực tiễn, BHXH các địa phương đã có tham luận, chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay trong thực hiện các nhiệm vụ được giao trên địa bàn.
Chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp triển khai 2 nhóm TTHC liên thông, ông Vũ Đức Thuật - Phó Giám đốc BHXH TP. Hà Nội cho biết, tháng 11/2022, Hà Nội là 1 trong 2 địa phương được lựa chọn thực hiện thí điểm 2 thủ tục liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí.
Ngay từ khi nhận được sự chỉ đạo, BHXH Thành phố đã xác định đây là nhiệm vụ rất quan trọng, do đó đã tập trung chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, BHXH các quận, huyện, thị xã chủ động nghiên cứu, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương để tổ chức triển khai thực hiện. Đến nay, BHXH TP. Hà Nội đã cấp và trả thẻ BHYT cho 36.972 trường hợp; tiếp nhận, giải quyết và chi trả trợ cấp mai táng phí cho 341 trường hợp.
Thông tin về kết quả ứng dụng công nghệ sinh trắc trên CCCD gắn chip trong tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC; tiện ích đặt lịch làm việc trực tuyến, Giám đốc BHXH tỉnh Bình Dương Lê Minh Lý cho biết, từ ngày 8/11/2022, BHXH tỉnh Bình Dương được chọn thực hiện thí điểm ứng dụng công nghệ sinh trắc trên CCCD gắn chip trong tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC và thí điểm tiện ích đặt lịch làm việc trực tuyến.
Theo bà Lê Minh Lý, tính từ khi bắt đầu triển khai thí điểm đến nay, có khoảng 20.000 người đến nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa được xác thực sinh trắc.
Trong đó, 100% các trường hợp đến nộp hồ sơ đề nghị hưởng BHXH một lần, cấp lại sổ, ghép- gộp sổ đều được yêu cầu thực hiện sinh trắc.
Qua thực hiện sinh trắc, đã phát hiện 3 trường hợp nghi ngờ sử dụng CCCD gắn chip giả để làm hồ sơ hưởng BHXH một lần.
Về thí điểm tiện ích đặt lịch làm việc trực tuyến, tính từ khi triển khai đến nay, đã có gần 6.000 lượt đặt lịch làm việc trực tuyến thành công giúp đã giảm được 1.500 giờ tiếp đón thông qua đặt lịch làm việc trực tuyến…
Các ý kiến đánh giá của đại diện các bộ, ngành tham dự Hội nghị cũng thống nhất, BHXH Việt Nam tiên phong trong phối hợp, chia sẻ CSDL góp phần đẩy nhanh quá trình thực hiện Đề án 06 nói riêng và chuyển đổi số nói chung.
Ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đánh giá cao CSDL và sự giúp đỡ, chia sẻ, đồng hành của BHXH Việt Nam đối với Bộ Y tế trong thực hiện nhiệm vụ tại Đề án 06 và chuyển đổi số thời gian qua.
Theo đó, BHXH Việt Nam chia sẻ dữ liệu thẻ BHYT cho các cơ sở khám chữa bệnh để phục vụ khám chữa bệnh BHYT; bàn giao CSDL về BHYT hộ gia đình để Bộ Y tế xây dựng hồ sơ sức khoẻ điện tử.
"Đặc biệt, BHXH Việt Nam đã phối hợp, hỗ trợ Bộ Y tế liên thông dữ liệu khám sức khoẻ lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử qua hạ tầng của BHXH Việt Nam.
Đến nay, toàn quốc có 1.080 cơ sở khám chữa bệnh đã gửi dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe, với 684.290 dữ liệu được gửi; có 1.170 cơ sở khám chữa bệnh gửi dữ liệu giấy chứng sinh, với 200.792 dữ liệu được gửi; 375 cơ sở khám chữa bệnh gửi dữ liệu giấy báo tử, với 2.266 dữ liệu được gửi", ông Nguyễn Trọng Khoa thông tin.
Đánh giá cao các kết quả đã đạt được của BHXH Việt Nam trong thực hiện chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 cũng như ứng dụng công nghệ mới trong thực hiện nhiệm vụ, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết: "BHXH Việt Nam đã chủ động, đồng hành cùng với Bộ Công an trong thực hiện thu thập dữ liệu, phục vụ cho việc xác thực CSDL về dân cư để triển khai thành công Đề án 06 của Chính phủ".
Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, thời gian qua, BHXH Việt Nam không chỉ làm tốt nhiệm vụ của mình trong xây dựng cơ sở dữ liệu, hạ tầng công nghệ, đội ngũ cán bộ… mà còn chủ động, đi trước đón đầu trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, phối hợp, hỗ trợ nhiều bộ, ngành, địa phương vì mục tiêu chung, góp phần vào làm giàu thêm CSDL quốc gia.
Kết luận Hội nghị, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cho biết, 6 tháng cuối năm 2023, BHXH Việt Nam tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục xác thực, chia sẻ, liên thông và hoàn thành tất cả nhiệm vụ, mục tiêu được giao bảo đảm chất lượng và thời gian; tiếp tục tạo thuận lợi để người dân, doanh nghiệp thực hiện; tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (big Data).
Thu Cúc