Ông Hoàng Minh Cường, Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT |
Hiện, các DN viễn thông đều đã có Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán Ví điện tử. Việc được chấp thuận đề án để các DN cung cấp dịch vụ ra thị trường sẽ phụ thuộc rất lớn vào tiến độ của NHNN - cơ quan quản lý nhà nước về nghiệp vụ chuyên ngành.
Xung quanh nội dung này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Minh Cường, Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT – đơn vị quản lý các DN viễn thông thuộc đối tượng thực hiện thí điểm Mobile Money.
Thưa ông, việc triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ mà Thủ tướng vừa phê duyệt ngày 9/3 (QĐ316) có ý nghĩa như thế nào? Người dân sẽ được lợi gì từ việc thí điểm này, thưa ông?
Ông Hoàng Minh Cường: Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 9/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money) có nhiều ý nghĩa lớn, là một trong những nhiệm vụ cụ thể, mang tính chất thí điểm, nhằm thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-TƯ ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây cũng là một chính sách để thực hiện mục tiêu mọi người dân và doanh nghiệp đều được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính đã được Thủ tướng phê duyệt trong Chiến lược Tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030.
Đặc biệt, Mobile Money sẽ giúp tăng cường việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo của Việt Nam, đảm bảo quyền bình đẳng của mọi người dân trong tiếp cận dịch vụ thiết yếu trong lĩnh vực thanh toán không sử dụng tiền mặt; tận dụng hạ tầng, cơ sở dữ liệu, mạng lưới viễn thông tại Việt Nam - nơi có độ phủ sóng mạng di động lên tới 99,8% dân số và mang lại tiện ích cho người dân, giảm chi phí xã hội.
Việc cho phép triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp cũng sẽ là giải pháp góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19 tại Việt Nam.
Đối với các khách hàng ở vùng sâu, vùng xa, hoặc chưa có điều kiện, khả năng sử dụng dữ liệu, mạng Internet, các ứng dụng yêu cầu smartphone, người dân có thể sử dụng tài khoản Mobile Money để thanh toán hàng hoá, dịch vụ qua các kênh điện thoại truyền thống như tin nhắn SMS, tạo sự gần gũi, thân thiện, thuận tiện trong việc tiếp cận sử dụng dịch vụ, qua đó từng bước xây dựng thói quen trong việc chuyển dịch sang sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Do đó, việc cho phép triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money tại Việt Nam sẽ mang lại không chỉ lợi ích cho các doanh nghiệp thí điểm mà còn xây dựng thị trường khách hàng tiềm năng cho các ngân hàng, tổ chức tài chính khi nhu cầu sử dụng của người dân tăng dần và trở thành đối tượng phục vụ của cả hệ thống các ngân hàng và tổ chức tín dụng.
Dòng tiền của khách hàng sử dụng tài khoản Mobile Money tại các doanh nghiệp thí điểm, theo quy định, phải tập trung tại tài khoản ký quỹ tại các ngân hàng thương mại sẽ biến các doanh nghiệp viễn thông tham gia thực hiện thí điểm thành một cánh tay nối dài, là một công cụ để huy động tiền nhỏ lẻ nằm trong dân cư chảy vào hệ thống ngân hàng.
Vậy Cục Viễn thông có kế hoạch triển khai Quyết định này của Thủ tướng như thế nào?
Ông Hoàng Minh Cường: Trong thời gian qua, Cục Viễn thông đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông chuẩn bị các nội dung của Đề án thí điểm trong quá trình các Bộ, ngành phối hợp xem xét trình Thủ tướng ban hành quyết định cho phép thí điểm. Do đó, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 316, Cục Viễn thông đã phân công nhóm cán bộ chuyên trách, phối hợp với các đơn vị liên quan trong Bộ TT&TT hỗ trợ các doanh nghiệp lập đề án xin phép thí điểm gửi Ngân hàng Nhà nước (NHNN - cơ quan chủ trì thẩm định hồ sơ).
Ngay trong tuần (10-12/3) nhóm đã làm việc liên tục với các doanh nghiệp thuộc đối tượng thực hiện thí điểm để hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện Hồ sơ đề án đáp ứng đầy đủ các quy định trong Quyết định của Thủ tướng và trình NHNN xem xét chấp thuận triển khai thí điểm; chỉ đạo doanh nghiệp chuẩn bị sẵn sàng các phương án, điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, nhân sự, chính sách để triển khai dịch vụ ngay khi được NHNN chấp thuận.
Trong tuần tới, Cục Viễn thông sẽ phối hợp làm việc với các đơn vị chức năng của NHNN trong việc hướng dẫn, thẩm định, đánh giá các điều kiện thí điểm (liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của Bộ TT&TT) đối với Hồ sơ đề nghị triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money của các doanh nghiệp viễn thông và đề nghị các đơn vị chức năng của NHNN sớm trình lãnh đạo chấp thuận hồ sơ cho phép tham gia thí điểm cung cấp dịch vụ.
Việc được chấp thuận đề án để các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ra thị trường sẽ phụ thuộc rất lớn vào tiến độ của NHNN – cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì hướng dẫn, thẩm định hồ sơ và cũng là cơ quan quản lý nhà nước về nghiệp vụ chuyên ngành.
Về phía các doanh nghiệp viễn thông, để đẩy nhanh tiến độ cung cấp dịch vụ này ra thị trường, họ sẽ phải chuẩn bị những gì để bước vào “cuộc chạy đua” này và hiện nay các doanh nghiệp đã chuẩn bị đến đâu, thưa ông?
Ông Hoàng Minh Cường: Các doanh nghiệp viễn thông, cụ thể là 3 nhà mạng Viettel, Vinaphone và Mobifone là các doanh nghiệp đáp ứng quy định của Thủ tướng Chính phủ về đối tượng thực hiện thí điểm sẽ phải chuẩn bị Hồ sơ đề án đáp ứng đủ các quy định trong Quyết định của Thủ tướng bao gồm: các quy định về quy trình nghiệp vụ nạp-rút-chuyển tiền; đảm bảo khả năng thanh toán, an toàn, an ninh; nhận biết, định danh khách hàng (KYC); quản lý điểm kinh doanh; các quy định về phòng, chống rửa tiền; quản lý rủi ro, khiếu nại của khách hàng… và các quy định khác có liên quan.
Đồng thời phải chuẩn bị sẵn sàng các phương án, điều kiện triển khai dịch vụ như đã nói ở trên để thuyết minh tính sẵn sàng khả thi của hệ thống, để sau khi được NHNN chấp thuận, sẽ cung cấp dịch vụ được ngay.
Theo đánh giá của Cục Viễn thông, các doanh nghiệp viễn thông đều đã có Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán Ví điện tử nên đã có hệ thống kỹ thuật, công nghệ thông tin đảm bảo theo tiêu chuẩn của hệ thống CNTT theo yêu cầu của NHNN. Việc cung cấp dịch vụ Mobile Money trên cơ sở hạ tầng và kinh nghiệm cung cấp dịch vụ ví điện tử là một thuận lợi lớn.
Đối với những nội dung về nghiệp vụ Mobile Money mà Thủ tướng cho phép thí điểm, các doanh nghiệp phải nhanh chóng xây dựng phương án kinh doanh, phương án kiểm soát và quản trị rủi ro, quy trình chăm sóc khách hàng chặt chẽ để đảm bảo an toàn, quyền lợi của khách hàng khi sử dụng dịch vụ....
Đặc biệt đối với những vấn đề quan trọng như lựa chọn áp dụng công nghệ; xây dựng, quản lý các điểm kinh doanh nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; đào tạo huấn luyện cho nhân viên tại các điểm kinh doanh ..sẽ là những điểm then chốt để quyết định thành công của từng đơn vị viễn thông khi cung cấp dịch vụ ra thị trường.
Xin trân trọng cảm ơn ông!