Ghi nhận tại Cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng), cảng cá lớn nhất miền Trung, không khí tại đây nhộn nhịp hơn hẳn cách đây hơn 1 tháng. Thay vì nằm bờ thì bà con ngư dân đang cấp tập chuẩn bị ngư lưới cụ để ra khơi trở lại sau khi giá dầu diesel giảm hơn 3.000 đồng/lít cách đây vài ngày.
Đối với ông Nguyễn Văn Quý (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi), chủ tàu QNg 95670, đây là một tin mừng vì tàu của ông đã nằm bờ suốt nửa năm trời do chi phí dầu quá cao. "Với giá dầu 30.000 đồng/lít gần gấp đôi năm ngoái, mỗi chuyến ra khơi dài ngày chỉ gánh lỗ, không có thu nhập trả cho bạn thuyền nên tôi đành cho tàu nằm bờ từ Tết đến giờ, mọi người về quê có gì làm nấy."
Là tàu giã cào dài ngày trên biển, mỗi chuyến ra khơi 40 ngày tốn khoảng 30.000 lít dầu, nếu với giá dầu cũ thì chi phí tầm 900 triệu, giờ giá dầu hạ sẽ tiết kiệm được tầm 90 triệu, có thêm thu nhập chia cho anh em, ông Quý nhẩm tính.
Ông Quý vui mừng chia sẻ: "Nghe tin giá dầu hạ, anh em bạn thuyền cùng nhau quay trở ra Đà Nẵng để chuẩn bị cho chuyến biển đầu tiên trong năm. Ngư dân chúng tôi đã quen với nghề nắng gió trên biển rồi, giờ có cơ hội là quay lại với nghề ngay."
Còn đối với những tàu đánh bắt gần bờ như tàu ông Võ Sáu (huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi), chủ tàu QNg 97745, ông cùng 4 bạn thuyền vẫn cố xoay sở bám trụ với nghề biển. Ông Sáu bày tỏ: "Tàu đi gần bờ thì chi phí không nhiều bằng các tàu giã cào, mỗi chuyến tốn gần 3.000 lít dầu. Anh em chúng tôi không bỏ nghề biển, chỉ giảm số chuyến lại. Như mọi năm đến giờ đã đi được tầm 10 chuyến rồi thì năm nay mới được 3 chuyến, thu nhập mỗi anh em chỉ khoảng 1,5-2 triệu đồng/chuyến. Lênh đênh trên biển mà thu nhập ít ỏi nên những lúc rảnh rỗi không ra khơi, chúng tôi cũng nhận thêm việc để trang trải qua ngày".
Là người đã gắn bó với nghề biển hơn 20 năm, ông Nguyễn Đình Vĩ, chủ tàu cá ĐNa 98752 (quận Sơn Trà, Đà Nẵng), cho biết tổng chi phí cho một chuyến biển bao gồm dầu, đá, gas, đồ ăn uống... trong đó giá dầu chiếm 70-80%. "Xăng dầu tăng kéo theo mọi thứ đều tăng khiến ngư dân rất khó khăn. Nay giá dầu hạ, mong những chi phí kéo theo cũng hạ mức sâu để chúng tôi tiết kiệm được thêm chi phí ra khơi", ông Vĩ bày tỏ.
Ngậm ngùi nhìn về những chiếc thuyền neo đậu ở Cảng cá, ông Vĩ cho hay: "Chúng tôi còn cố bám trụ ngày nào hay ngày đó, rất nhiều ngư dân ở đây đã bỏ nghề, bỏ tàu về quê kiếm sống, người xin vào các công ty làm công nhân, phụ hồ, chạy Grab. Nhiều tàu ở đây cả 2 năm dịch không ra khơi, lại thêm giá xăng dầu tăng cao khiến ngư dân không thể ra khơi, nhiều tàu hư hỏng nặng..."
"Chúng tôi mong giá dầu có thể tiếp tục hạ xuống để ngư dân duy trì được với nghề biển, có thu nhập, vươn khơi bám biển, có động lực gắn bó dài lâu với nghề biển", ông Vĩ nói.
Ông Ngô Xuân Thắng, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Đà Nẵng cho biết, diễn biến giá xăng, dầu, nguyên vật liệu xây dựng và giá một số mặt hàng thực phẩm tăng cao tác động nhiều mặt đến đời sống xã hội, tạo tâm lý lo lắng, bất an trong nhân dân.
"Tại các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND Thành phố, nhiều cử tri cũng bày tỏ và cho biết hơn 50% tàu cá của ngư dân không thể ra khơi do giá xăng, dầu tăng quá cao. Không chỉ ảnh hưởng đến việc vươn khơi đánh bắt, tình hình này còn ảnh hưởng đến những ngành nghề phục vụ nghề cá trên bờ như cung cấp nước đá, cung cấp xăng dầu, chế biến hải sản... và ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ngư trường, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển", ông Thắng nói.
Hiện nay, bộ phận ngư dân đi biển đang mong ngóng từng ngày chính sách điều chỉnh hợp lý đối với giá xăng dầu để bà con ra khơi đánh bắt. Đồng thời, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố cũng kiến nghị HĐND Thành phố quan tâm, có chính sách hỗ trợ an sinh cho số lao động trực tiếp đi biển đang phải nghỉ việc, đời sống đang gặp nhiều khó khăn, ông Ngô Xuân Thắng cho hay.
Minh Trang