![]() |
Ảnh minh họa |
Ông Nguyễn Hồng Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), Giám đốc điều hành Công ty CP dịch vụ taxi ABC cho biết, khi xăng ở mức đỉnh 20.710 đồng/lít được lập hồi tháng 6 vừa qua hãng không tăng giá nên bây giờ cũng chưa có lộ trình giảm giá.
“Giá xăng thì từ đầu năm đến nay tăng giảm rất nhiều nhưng độ chênh giữa các lần tăng giảm chỉ khoảng hơn 500 đồng, không đáng là bao nhiêu nên chúng tôi chưa tính đến việc hạ giá cước. Khi hạ giá cước sẽ mất rất nhiều chi phí để lắp đặt lại đồng hồ mà không biết 15 ngày tới xăng tăng hay giảm. Khi nào xăng giảm thêm 2.000 đồng/lít nữa chắc chắn ABC sẽ giảm giá”, ông Nguyễn Hồng Hải nói.
Còn ông Hồ Quốc Phi, Chánh Văn phòng Chủ tịch HĐQT Mai Linh Miền Bắc cho biết, HĐQT Công ty vừa có quyết định giao cho các Ban chuyên môn nghiên cứu, tính toán đến việc giảm giá cước taxi trong thời gian tới.
"Chắc chắn với đợt giảm giá xăng lần này, taxi Mai Linh sẽ giảm cước. Nhưng mức giảm bao nhiêu thì phải tới ngày 7/9 mới đưa ra quyết định", ông Phi cho hay.
Theo ông Phi, Mai Linh sẽ nghiên cứu, tham khảo ý kiến của các Hiệp hội taxi ở TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng. Ngoài ra, sẽ tham khảo thêm động thái của một số "bạn hàng" lớn như Vinasun taxi, Group taxi rồi mới quyết định mức giảm giá cho từng dòng xe taxi.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, đối với những doanh nghiệp taxi đã tăng giá ở những lần xăng dầu tăng giá trước đó thì phải giảm giá trong lần này để đảm bảo công bằng cho người tiêu dùng. Còn những doanh nghiệp vẫn giữ nguyên giá cước từ đầu năm đến nay thì có thể cân đối phù hợp với tình hình kinh doanh của mình để quyết định việc giảm giá.
Liên quan đến việc, có hay không một số hãng taxi lớn "bắt tay" trong việc tính toán giảm giá cước, ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng, doanh nghiệp có quyền tham khảo nhau.
"Còn bắt tay là hành vi vi phạm, nhưng phải có văn bản, bằng chứng mới có thể kết luận được họ có bắt tay hay không", ông Nguyễn Văn Thanh nói.
Các hãng phải kê khai giá trước 30/9
Theo sự điều hành của Liên bộ Tài chính-Công Thương, tính đến ngày hôm qua (3/9), giá bán lẻ mặt hàng xăng đã giảm 5 lần liên tiếp kể từ khi mức đỉnh 20.710 đồng/lít được lập hồi tháng 6. Tính chung trong năm 2015, giá xăng RON 92 đã trải qua 7 lần giảm (tổng cộng 5.588 đồng) và 4 lần tăng (tổng cộng 5.040 đồng). Như vậy, giá xăng hiện nay đã rẻ hơn so với giai đoạn đầu năm khoảng 548 đồng/lít.
Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, so với mức đỉnh xăng dầu hồi tháng 6 thì tính đến giờ phút này mặc dù mức giảm chưa đáng kể nhưng cũng cần kiểm soát giá cước của các hãng vận tải, đặc biệt là các hãng taxi để đảm bảo quyền lợi của nhân dân.
“Ngày 27/8, Bộ GTVT đã có văn bản Số 11473/BGTVT-VT về việc tăng cường công tác quản lý giá và thực hiện kê khai giá tại đơn vị vận tải đường bộ để yêu cầu các Sở GTVT phối hợp với Sở Tài chính cùng các đơn vị liên quan tiến hành kê khai giá cước”, ông Trần Bảo Ngọc cho biết.
Nội dung văn bản nêu rõ, để tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý giá cước vận tải bằng xe ô tô, đảm bảo giá cước vận tải điều chỉnh phù hợp với mức giảm của giá nhiên liệu, góp phần giảm giá thành các sản phẩm và giá dịch vụ khác Bộ GTVT yêu cầu Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện kê khai và niêm yết giá cước vận tải theo quy định tại Thông tư số 152/2014/TTLT-BTC-BGTVT ngày 15/10/2014 của Liên Bộ Tài Chính-Bộ GTVT hướng dẫn thực hiện giá cước vận tải bằng xe ô tô và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, kiên quyết xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đề nghị Hiệp hội vận tải ô tô của các địa phương tuyên truyền, vận động các đơn vị vận tải trên địa bàn thực hiện kê khai và niêm yết gía cước theo quy định và đảm bảo nguyên tắc điều chỉnh giảm giá cước phù hợp theo mức giảm nhiên liệu.
“Yêu cầu các Sở GTVT báo cáo lên trước ngày 30/9 để có hướng điều chỉnh tiếp theo”, ông Trần Bảo Ngọc nói rõ.