In bài viết

Xăng sinh học không chỉ góp phần bảo vệ môi trường

(Chinhphu.vn) - Nếu sử dụng hoàn toàn xăng sinh học E5, mỗi năm Việt Nam có thể tiết kiệm gần 6.000 tỷ đồng với khoảng 300 triệu lít xăng. Đồng thời, việc phát triển ngành công nghiệp này sẽ đem lại lợi ích lớn cho nông dân trồng sắn, nhất là tại miền Trung và Tây Nguyên.

04/04/2011 10:38

Kho xăng ethanol của Nhà máy sản xuất ethanol Đại Tân. - Ảnh: Chinhphu.vn

Xăng sạch - xăng sinh học là sản phẩm xăng A92 pha với cồn tuyệt đối (ethanol 99,5%). Tùy theo tỉ lệ phần trăm ethanol trong sản phẩm mà ta có các loại xăng E5, E10, … E85 (tương ứng tỉ lệ 5%, 10%, … 85% ethanol trong hỗn hợp). Hiện nay tại Việt Nam, sản phẩm xăng E5 được bán trên thị trường đã thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng.

Sử dụng E5, mỗi ngày tiết kiệm 16 tỷ đồng

Đó là khẳng định của ông Lưu Quang Thái – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đồng Xanh – đơn vị chủ quản Nhà máy sản xuất ethanol Đại Tân (huyện Đại Lộc, Quảng Nam). Theo ông, với giá xăng A92 hiện nay là 21.300 đồng/lít,  mỗi lít E5 giá thành rẻ hơn 1.000 đồng so với giá xăng thông thường. Mỗi ngày cả nước tiêu thụ 16 triệu lít xăng. Nếu chúng ta chuyển sang sử dụng sản phẩm xăng sinh học này, thì đã tiết kiệm hơn 16 tỷ đồng, đồng thời giảm tiêu hao 0,8 triệu lít xăng/ngày.

Điều này đồng nghĩa với mỗi năm Việt Nam sẽ tiết kiệm gần 6.000 tỷ đồng với khoảng 300 triệu lít xăng.

Đồng thời, theo nhiều nghiên cứu được công bố, xăng sinh học có chỉ số octan (chỉ số đánh giá tính chống nổ của xăng) cao hơn A92 từ 3 – 5 đơn vị, do đó có lợi cho việc chống lại hiện tượng cháy kích  nổ, giúp động cơ nổ êm hơn. Do đó, sử dụng xăng sinh học sẽ lợi nhiên liệu hơn sản phẩm xăng truyền thống.

Giá thành rẻ hơn là lợi ích nhãn tiền của dòng sản phẩm này. Còn về ích lợi lâu dài, sử dụng xăng sinh học chính là một xu hướng tất yếu không thể cưỡng lại khi E5 có thể hạn chế 30 – 40% lượng khí thải độc hại do nguồn nhiên liệu hóa thạch gây ra. Tỉ lệ ethanol trong sản phẩm càng cao thì lượng khí độc hại thải ra môi trường càng thấp.

Chị Nguyễn Phạm Minh Châu (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) – một khách ruột của sản phẩm xăng “xanh” cho biết: “Lúc đầu mới nghe nói, mình cũng ngại vì xăng sinh học mới quá, chưa mấy người dùng. Tuy nhiên, sau một thời gian chạy bằng E5, thấy tiết kiệm hơn hẳn, nên đổi qua dùng dòng này, lại nghe nói ít thải chất độc hại như xăng thông thường. Coi như mình góp phần nhỏ vào việc giảm khí thải nhà kính, hạn chế biến đổi khí hậu”.

Theo nhân viên bán xăng tại cây xăng 284 Ngô Quyền, Đà Nẵng, mỗi ngày đơn vị bán ra khoảng 1.000 – 1.500 lít xăng E5. Càng ngày, người tiêu dùng càng biết đến và tìm mua loại nhiên liệu này hơn. Được biết, hiện nay tại Đà Nẵng có 3 cây xăng đang bán thử nghiệm thị trường loại nhiên liệu “sạch” này.

Theo ông Lưu Quang Thái, với 3 nhà máy sản xuất ethanol đang vận hành (tại Đồng Nai, Đắk Nông, Quảng Nam) với tổng công suất 250 triệu lít ethanol/năm và 3 nhà máy sắp đưa vào hoạt động trong năm 2011, Công ty có thể đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước về ethanol khan.

Hiện nay cả nước có 40 trạm cung cấp xăng E5. Dự kiến, đến năm 2012, sẽ có hơn 4.000 điểm bán xăng E5 trong cả nước, sẵn sàng phục vụ nhu cầu của người dân. Dài hơi hơn, số trạm cung cấp xăng sẽ tăng tùy theo tình hình sản xuất ethanol trong nước đáp ứng nhu cầu đến mức nào.

Những gốc sắn hóa “vàng”

Ngày 20/11/2007, Thủ tướng phê duyệt Quyết định 177/2007/QĐ-TTg về thực hiện Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025.

Tháng 9/2009, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành qui chuẩn áp dụng xăng E5 tại thị trường Việt Nam.

Cuối tháng 8/2010, dòng sản phẩm xăng E5 đầu tiên được Tổng công ty Dầu Việt Nam PV OIL đưa ra thử nghiệm tại thị trường trong nước. 

Được biết, nguyên liệu sản xuất ethanol được các Nhà máy tại Việt Nam lựa chọn là sắn tươi và khô. Sản lượng sắn bình quân hàng năm tại Việt Nam khoảng 10 triệu tấn. 

Việc hình thành những nhà máy sản xuất ethanol từ sắn mà nhà máy Đại Tân là một điển hình sẽ giúp người nông dân nâng cao giá trị cây trồng, đồng thời yên tâm với đầu ra của nông sản.

Nhà máy đảm bảo bao tiêu toàn bộ và thu mua sắn theo giá 2.500 – 3.000 đồng/kg sắn tươi tại ruộng, đồng thời nếu sắn trượt giá, sẽ bao tiêu sản phẩm với mức 1.500 đồng/kg.

Điều này đồng nghĩa với năng suất bình quân 17 – 20 tấn/ha tại vùng đất núi bạc màu miền Trung, và 40 – 50 tấn/ha với khu vực Tây Nguyên; thì người nông dân sẽ thu về mỗi vụ 30 – 45 triệu đồng/ha.

Theo ông Lưu Quang Thái, cây sắn được nâng cao giá trị gấp 5 lần so với trồng cây keo và 3 lần so với trồng lúa 1 vụ. Đặc biệt, tại những triền núi miền Trung khô cằn, không nhiều loại cây có thể sinh tồn, thì cây sắn với mức thu nhập như trên trở thành lựa chọn lý tưởng.

Tính riêng Quảng Nam, hiện nay toàn tỉnh có gần 15 nghìn ha đất chuyên canh sắn. Như vậy, hàng năm Nhà máy đảm bảo tiêu thụ 255 – 300 ngàn tấn sắn thô, đảm bảo việc làm cho gần 5.000 nông dân trên địa phương.

Theo ông Lê Phước Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, ở một vùng còn nhiều khó khăn như căn cứ địa cách mạng Đại Lộc thì một nhà máy ethanol Đại Tân đã làm thay đổi cuộc sống của người dân trong vùng với việc đảm bảo bao tiêu 100% sản lượng sắn tại Quảng Nam…

Với công suất 125 triệu lít/năm, tương đương với 1 triệu tấn sắn khô, nhà máy sản xuất ethanol Đại Tân có thể đảm bảo đầu ra cho hơn 1 vạn nông dân trồng sắn. Ngoài ra, theo ông Lưu Quang Thái, để đảm bảo lượng nguyên liệu sắn phục vụ sản xuất, Nhà máy đã nhập nguyên liệu từ Tây Nguyên và Lào.

Trong thời gian tới, khi 3 nhà máy ethanol khác trong cả nước đi vào hoạt động, nâng tổng công suất lên 550 triệu lít/năm thì nguồn nguyên liệu nông sản này càng ngày càng tiêu thụ mạnh, những gốc sắn sẽ hóa “vàng”, mang lại sức sống mới nơi những vùng đồi núi bạc màu.

Ngoài cam kết hỗ trợ cho nông dân về kĩ thuật, bán giống với giá ưu đãi, từ nguồn bã sắn thải ra, Công ty có thể chế biến 40 nghìn tấn phân vi sinh mỗi năm. Số lượng phân hữu cơ này sẽ được bán cho nông dân với giá ưu đãi thấp hơn giá thị trường từ 600 – 800 đồng/kg trong thời hạn 2 năm.

Hồng Hạnh