In bài viết

Xây dựng Chiến lược đảm bảo ATGT là yêu cầu cấp bách

(Chinhphu.vn)- Để giảm thiểu TNGT ở mức 8 người/100.000 dân năm 2020 và giảm xuống còn 6 – 4 người/100.000 dân vào năm 2030 cần có sự vào cuộc không chỉ của Chính phủ mà còn các tổ chức xã hội, các tổ chức khai thác vận tải, người tham gia giao thông từ việc ban hành đến tuyên truyền, cưỡng chế thi hành pháp luật.

15/04/2011 18:06

Các đại biểu chủ trì Hội thảo-Ảnh:Chinhphu.vn

Hôm nay, 15/4, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tổ chức Hội nghị “Chiến lược bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của Việt Nam”.

Theo báo cáo của WHO, trên thế giới, mỗi năm có 1,2 triệu người tử vong vì tai nạn giao thông. Theo báo cáo của Hiệp hội An toàn Đường bộ Toàn cầu thì số người chết, bị thương vì tai nạn giao thông sẽ tăng 65% trong vòng 20 năm tới và chủ yếu là ở các quốc gia đang phát triển.

Tai nạn giao thông sẽ là nguyên nhân thứ 3 dẫn đến gánh nặng bênh tật và thương tích toàn cầu vào năm 2020 nếu không có cam kết mới để phòng tránh tai nạn.

Ở Việt Nam, cùng với sự tăng trưởng kinh tế tương đối cao, nhu cầu về vận tải hành khách và hàng hóa đã tăng lên nhanh chóng.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng, cùng với sự bùng nổ của các phương tiện cơ giới đường bộ, tốc độ đô thị hóa cao và kết cấu hạ tầng giao thông bất cập, tai nạn giao thông ở Việt Nam liên tục tăng trong nhiều năm, chỉ bắt đầu từ năm 2003, số vụ tai nạn giao thông mới có xu hướng giảm, tuy nhiên tính bền vững chưa cao. Trong năm 2010, số người tử vong do TNGT là 11.499 người, giảm 47 người so với năm 2009.

Còn theo báo cáo Tổng cục đường bộ Việt Nam, TNGT đường bộ tại các khu vực đô thị lớn bước đầu được kiềm chế. Tuy nhiên đây là khu vực có số vụ tai nạn, số người chết hoặc bị thương lại lớn hơn so với khu vực khác, hiện tượng sử dụng bia, rượu khi giao thông gây TNGT nghiêm trọng có dấu hiệu tăng lên…

Để đối phó với tình trạng này, Việt Nam đã dự thảo Chiến lược An toàn giao thông (ATGT) đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 hướng tới việc giảm thiểu TNGT ở mức 8 người/100.000 dân năm 2020 và giảm xuống còn 6 – 4 người/100.000 dân vào năm 2030.

Theo báo cáo của Viện Chiến lược và phát triển GTVT, định hướng phát triển GTVT đến năm 2020 là hệ thống GTVT phải cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải, kiềm chế tiến tới giảm TNGT và hạn chế ô nhiễm môi trường, mở rộng và xây dựng mới các quốc lộ có nhu cầu vận tải lớn, xây dựng hệ thống đường bộ cao tốc. Đối với thành phố lớn, phát triển mạnh hệ thống xe bus, tỷ lệ đảm nhận hành khách công cộng đạt 35 đến 45%.

Theo đó, cần tập trung công tác cưỡng chế thi hành pháp luật, ưu tiên  ứng dụng công nghệ hiện đại. Tăng cường năng lực và sự phối hợp của các lực lượng hỗ trợ khác như công an xã, cảnh sát, trật tự, dân phòng…

Trong chiến lược về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đào tạo tập trung vào phát triển văn hóa ATGT và công tác đào tạo hướng dẫn các kỹ năng giao thông…

Đại diện JICA khẳng định JICA coi phát triển cơ sở hạ tầng là một trọng tâm hỗ trợ đối với Việt Nam. Thực tế, trong những năm qua, Việt Nam đã có những bước phát triển hệ thống giao thông khá tốt, tuy nhiên, việc phát triển cơ ơở hạ tầng sẽ không thể đem lại kết quả tốt nếu ATGT không được quan tâm đầy đủ.

JICA sẽ có triển khai những kế hoạch quan trọng như dự án nâng cao năng lực đào tạo của các giảng viên CSGT và  CSGT…

Để có những giải pháp hiệu quả, cần phải có sự vào cuộc không chỉ của Chính phủ mà còn các tổ chức xã hội, các tổ chức khai thác vận tải, người tham gia giao thông từ việc ban hành đến tuyên truyền, cưỡng chế thi hành pháp luật.

Huy Thắng