In bài viết

Xây dựng chiến lược phát triển các hội ngành khoa học - kỹ thuật

(Chinhphu.vn) - Nhiều hội ngành khoa học - kỹ thuật còn thiếu các quy chế, quy định về quản lý và hoạt động, các hình thức tập hợp trí thức còn đơn điệu, thiếu tính xã hội, ít người biết đến. Do đó, các hội ngành cần xây dựng tầm nhìn, chiến lược phát triển về mô hình tổ chức, kế hoạch nguồn lực nhân sự, tài chính, truyền thông và quảng bá hình ảnh của tổ chức.

28/07/2023 15:07
Xây dựng chiến lược phát triển các hội ngành khoa học và kỹ thuật - Ảnh 1.

Hội nghị giao ban các Hội Khoa học và Kỹ thuật ngành toàn quốc năm 2023 - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Ngày 28/7, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức hội nghị giao ban các Hội Khoa học và Kỹ thuật ngành toàn quốc năm 2023.

TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch VUSTA cho biết thời gian qua, VUSTA và các hội ngành toàn quốc đã có nhiều cố gắng trong công tác tập hợp, đoàn kết và phát huy vai trò, sức sáng tạo của đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam, tiếp tục xây dựng, củng cố hệ thống tổ chức, triển khai các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ của VUSTA.

Theo báo cáo của VUSTA, trong 6 tháng đầu năm, hoạt động tư vấn, phản biện của các hội ngành diễn ra sôi nổi, bám sát tình hình kinh tế-xã hội của đất nước, ví dụ như các dự án luật: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Luật Hợp tác xã, Luật Khám và chữa bệnh, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng…

Đồng thời, các hội ngành cũng tham gia đóng góp ý kiến, góp phần hoàn thiện các dự thảo nghị định, thông tư, các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan đến lĩnh vực hoạt động chuyên môn của hội ngành toàn quốc; phản biện các nghị quyết về cơ chế đặc thù cho một số địa phương…

Nhiều hội ngành đã triển khai các đề tài, nhiệm vụ, dự án KH&CN từ nguồn kinh phí do VUSTA hỗ trợ, đồng thời đăng ký đề tài, nhiệm vụ, dự án KHCN cấp Nhà nước và các đề tài nghị định thư.

Nhằm đáp ứng yêu cầu trong cách mạng công nghiệp 4.0, các hội đã quan tâm và triển khai công tác chuyển đổi số trong các lĩnh vực chuyên ngành. Một số hội thực hiện các chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia, như: Hội Vật lý Việt Nam tiếp tục tổ chức thực hiện Chương trình phát triển Vật lý giai đoạn 2021-2025.

Các hội ngành đã quan tâm phối hợp nhiều hơn hoạt động với các công ty, trường đại học, viện nghiên cứu trong công tác nghiên cứu khoa học để ứng dụng trong thực tiễn như: Hội Khoa học kỹ thuật bảo vệ thực vật phối hợp với các công ty, trường đại học xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, cải tạo đất tại tỉnh Đắk Lắk; xây dựng mô hình nông nghiệp đô thị, sản xuất nông sản hữu cơ tại TPHCM; phối hợp với một số công ty sản xuất phân hữu cơ đạt chất lượng cao...

Bên cạnh đó, các hội ngành cũng triển khai các hoạt động truyền thông và phổ biến KH&CN cho các tầng lớp nhân dân, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào đời sống, sản xuất; tôn vinh trí thức, tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế...

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về việc phát huy vai trò tư vấn, phản biện của các hội ngành toàn quốc trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; vai trò của VUSTA và các hội ngành toàn quốc trong chiến lược và kế hoạch quốc gia về tăng trưởng xanh; một số vấn đề nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các các hội ngành trong thời gian tới...

Theo đó, mặc dù phần lớn các hội ngành đều có một lực lượng hùng hậu số người đăng ký tư cách hội viên, song trên thực tế những người thực sự tham gia công tác hội phần lớn thuộc nhóm cao tuổi. Việc trẻ hoá đội ngũ của các hội ngành là một thách thức lớn, không dễ giải quyết.

Hơn nữa, công tác quản lý của nhiều hội ngành còn chưa chặt chẽ, nhiều hội ngành còn thiếu quy chế, quy định về quản lý và hoạt động; hình thức tập hợp trí thức còn đơn điệu, thiên về tính hàn lâm, thiếu hoạt động liên kết doanh nghiệp và thiếu tính xã hội, dẫn đến nhiều tầng lớp người dân trong xã hội ít biết đến hội. Nội dung các hoạt động chưa hấp dẫn, nhất là đối với trí thức trẻ trong các trường đại học, viện nghiên cứu...

Trong 6 tháng cuối năm, VUSTA sẽ thành lập đoàn kiểm tra, giám sát một số hội thành viên, một số tổ chức KH&CN trực thuộc, đồng thời rà soát các tổ chức KH&CN hoạt động kém hiệu quả, vi phạm các quy định của VUSTA, xem xét đình chỉ hoạt động, tiến đến giải thể theo quy định.

Đoàn Chủ tịch Hội đồng Trung ương cũng đề nghị các hội ngành xây dựng tầm nhìn, chiến lược phát triển về mô hình tổ chức, kế hoạch nguồn lực nhân sự, nguồn lực tài chính, truyền thông và quảng bá hình ảnh của tổ chức...

Đồng thời đổi mới tổ chức, phương thức tập hợp hội viên; bảo đảm sự đan xen các thế hệ cán bộ hội và hội viên; có kế hoạch cụ thể để nâng tỉ lệ hội viên là cán bộ trẻ đang làm việc trong các viện nghiên cứu, trường đại học, góp phần tạo thêm động lực và sức sáng tạo, đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Chủ động triển khai thực hiện quy chế phối hợp hoạt động và nâng cao chất lượng và nội dung phối hợp hoạt động giữa VUSTA và các hội ngành toàn quốc. Chủ động kiến nghị và phối hợp với các hội nghề nghiệp khác kiến nghị Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách phù hợp tạo điều kiện để các tổ chức xã hội, các hội chuyên ngành có cơ hội tiếp cận nguồn lực từ Nhà nước và từ xã hội.

Các hội cũng cần tăng cường mối quan hệ liên kết với các bộ, ngành và địa phương, đặc biệt với các doanh nghiệp để mở rộng phạm vi hoạt động và tăng nguồn lực hoạt động; xây dựng cơ sở dữ liệu về các hội ngành toàn quốc...

Hoàng Giang