In bài viết

Xây dựng cơ chế để tôn trọng và bảo đảm thực hiện quyền dân sự

(Chinhphu.vn) - Bộ luật Dân sự (BLDS) là bộ luật quan trọng trong hệ thống pháp luật Việt Nam, điều chỉnh các quan hệ xã hội rộng lớn nhất, bao gồm các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.

10/02/2015 09:01

Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) lần này đã kế thừa các quy định mang tính nguyên tắc của BLDS hiện hành là đề cao trách nhiệm của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự chính đáng trong các quan hệ dân sự.

Trong bối cảnh Việt Nam đang phát triển và hội nhập quốc tế, cùng với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, các quan hệ dân sự đã có những thay đổi và cần có sự điều chỉnh của pháp luật cho phù hợp trên quan điểm xuyên suốt là bảo vệ và tôn trọng quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân theo tinh thần của Hiến pháp 2013.

Dự thảo BLDS (sửa đổi) lần này đã kế thừa các quy định mang tính nguyên tắc của BLDS hiện hành là đề cao trách nhiệm của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự chính đáng trong các quan hệ dân sự. Hạn chế tối đa sự tùy tiện của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân, bảo đảm sự bình đẳng và an toàn pháp lý trong quan hệ dân sự, góp phần tạo điều kiện đáp ứng các nhu cầu vật chất và tinh thần của nhân dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội.

Để tạo cơ chế pháp lý đầy đủ cho việc công nhận, tôn trọng và bảo vệ quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân, bảo đảm sự thống nhất trong việc áp dụng pháp luật trên cơ sở kế thừa các quy định của pháp luật dân sự hiện hành, Dự thảo BLDS (sửa đổi) quy định, trong trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thoả thuận, pháp luật không có quy định thì áp dụng tập quán, nếu không có tập quán thì áp dụng pháp luật tương tự để giải quyết.

Trong trường hợp không thể áp dụng pháp luật tương tự thì áp dụng những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, lẽ công bằng và án lệ được áp dụng để xem xét, giải quyết vụ việc dân sự.

Đây là quy định mới được bổ sung trong Dự thảo BLDS (sửa đổi), một quy định hết sức tiến bộ, kế thừa và phát triển nguyên tắc tất cả các quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ được quy định tại BLDS hiện hành.

Tính ưu việt trong quy định mới về thời hiệu

Để bảo vệ quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân được thực hiện một cách triệt để thông qua cơ quan tòa án và các cơ quan có thẩm quyền khác, Dự thảo BLDS (sửa đổi) quy định thời hiệu là thời hạn do pháp luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo những điều kiện do pháp luật quy định.

Thời hiệu bao gồm thời hiệu hưởng quyền, thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự. Theo đó, cá nhân, pháp nhân phải yêu cầu tòa án, cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ, việc dân sự trong thời hạn quy định tại Chương X, Mục 1 Dự thảo BLDS (sửa đổi). Nếu quá thời hạn đó mà có yêu cầu thì tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền vẫn phải thụ lý giải quyết và tuyên bố chủ thể được hưởng quyền dân sự hoặc được miễn trừ nghĩa vụ dân sự.

BLDS hiện hành quy định thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện hoặc yêu cầu tòa án giải quyết vụ, việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nếu thời hạn đó kết thúc thì họ mất quyền khởi kiện hoặc yêu cầu.

Tuy nhiên, việc quy định thời hiệu như vậy sẽ dẫn đến tình trạng không giải quyết một cách triệt để, dứt điểm các tranh chấp phát sinh trong xã hội, dẫn đến tình trạng các chủ thể có thể sử dụng những biện pháp “tự xử” trái pháp luật, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự xã hội.

Quy định về thời hiệu như trong Dự thảo BLDS (sửa đổi) lần này đã thể hiện rõ bản chất ưu việt của pháp luật trong việc tôn trọng và bảo vệ quyền dân sự, đó là, quy định về thời hiệu hưởng quyền dân sự, miễn trừ nghĩa vụ dân sự mà không quy định thời hiệu là căn cứ để tòa án từ chối giải quyết vụ, việc dân sự.

Điều đó cũng phù hợp với bản chất pháp lý của thời hiệu, tạo công cụ pháp lý tốt hơn để tòa án bảo vệ các quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân, theo quy định tại khoản 3 Điều 102 Hiến pháp năm 2013: “Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Luật sư Trần Quốc Hùng

Đoàn Luật sư TP. Hà Nội