Ảnh minh họa |
Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính và Hiệp hội mía đường Việt Nam khẩn trương nghiên cứu, xây dựng cơ chế điều hành nhập khẩu đường cho thời gian tới, bảo đảm quyền lợi cho người nông dân trồng mía, các nhà máy đường và tuân thủ cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12 này.
Trước đó, ngày 18/2/2014, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 08/2014/TT-BCT quy định về nguyên tắc điều hành hạn ngạch thuế quan (HNTQ) nhập khẩu đối với mặt hàng đường, muối, trứng gia cầm năm 2014. Theo đó, lượng HNTQ đường công bố năm 2014 là 77.200 tấn. Đối tượng phân giao là thương nhân trực tiếp sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất và nhà máy đường sử dụng đường thô để tinh luyện. Thời điểm phân giao HNTQ nhập khẩu đường thực hiện theo đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Căn cứ quy định trên, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã thống nhất triển khai phân giao HNTQ đường năm 2014 vào thời điểm tháng 9/2014, sau khi kết thúc vụ sản xuất đường 2013-2014 để không ảnh hưởng đến việc tiêu thụ đường trong nước. Lượng HNTQ phân giao cho các đối tượng trong tổng lượng 77.200 tấn được thực hiện như sau: 40.000 tấn đường thô cho các nhà máy đường để tinh luyện, 37.200 tấn đường cho các doanh nghiệp sử dụng đường làm nguyên liệu phục vụ sản xuất chế biến thực phẩm, thuốc y tế.
Nguyên tắc và tiêu chí phân giao đường được thực hiện minh bạch, rõ ràng phù hợp với cam kết khi phân giao HNTQ trong WTO, cụ thể căn cứ theo nhu cầu sử dụng đường; năng lực sản xuất và kết quả thực hiện nhập khẩu năm trước của doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục nghiên cứu để xây dựng cơ chế điều hành nhập khẩu đường nhằm phù hợp với tình hình thực tế sản xuất trong nước và bảo đảm tuân thủ cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO.
Phan Hiển