In bài viết

Xây dựng cơ chế hỗ trợ phát triển điện mặt trời

(Chinhphu.vn) - Chiều 23/10, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì họp chỉ đạo xây dựng cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện mặt trời nhằm bảo đảm mục tiêu ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng mới và tái tạo, đáp ứng nhu cầu năng lượng đất nước.

23/10/2015 17:48

Theo Quy hoạch điện VII, nhu cầu điện toàn quốc được dự báo sẽ tăng gần 10%/năm trong giai đoạn 2016-2020. Cân đối trữ lượng tài nguyên cho thấy, bên cạnh những nguồn năng lượng hóa thạch, Việt Nam phải sớm tính tới việc khai thác các nguồn năng lượng mới, nhất là nguồn điện gió, điện sinh khối, điện mặt trời...

Về tiềm năng, Việt Nam có tổng số giờ nắng trong năm từ 1.400-3.000 giờ, tổng lượng bức xạ trung bình khoảng 230-250 kcal/cm2. Đây là mức khá trên thế giới, đủ phục vụ cho các nhu cầu phát điện, sấy, đun nấu...

Công nghệ điện mặt trời tại Việt Nam hiện vẫn là loại hình công nghệ mới, chủ yếu là các dự án thí điểm, chưa nối lưới, chưa có dự án thương mại do trở ngại lớn về giá thành cao, suất đầu tư lớn và chưa có cơ chế riêng về giá bán để bảo đảm thu hút đầu tư.

Trước tình hình này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước về Quy hoạch Điện VII chỉ đạo Bộ Công Thương xây dựng các cơ chế đi trước, tạo tiền đề đẩy mạnh việc khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời để phát điện. Tinh thần là giúp các dự án, các chương trình khai thác, sử dụng điện mặt trời được hưởng ưu đãi về đầu tư, giá điện và thuế...

Theo đề án đang trong quá trình khởi thảo, cơ chế điện mặt trời sẽ quy định về quy hoạch, mục tiêu cho phát triển điện mặt trời, đầu tư nối lưới, các vấn đề kiên quan đến khởi công, vận hành và chấm dứt thực hiện dự án.

Trong chính sách hỗ trợ, các nhà quản lý sẽ quy định trách nhiệm mua bán điện từ các dự án điện mặt trời nối lưới, các ưu đãi về vốn đầu tư, thuế và đất đai. Đặc biệt, sẽ có khung giá bán điện nối lưới và những ưu đãi hỗ trợ đối với các dự án không nối lưới.

Chính sách này, nhất là vấn đề giá, sẽ được nghiên cứu kỹ tình hình thực tế, tham khảo kinh nghiệm các nước phát triển trong lĩnh vực này trên thế giới và trong khu vực.

Nguyên Linh