In bài viết

Xây dựng cơ chế mới để Nghệ An phát huy thế mạnh, không ‘đi trước về sau’

(Chinhphu.vn) - Ngày 20/12, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương và Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức tọa đàm “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

20/12/2022 18:17

Chủ trì tọa đàm có các đồng chí: Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Tham dự tọa đàm có đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Nghệ An…

Có nhiều tiến bộ nhưng chưa đạt mục tiêu 

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý cho biết, sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, tỉnh Nghệ An đã đạt được những thành tựu khá toàn diện trên các mặt. 

Quy mô nền kinh tế hiện đứng thứ 12 cả nước, đóng góp 12,43% quy mô kinh tế vùng và 1,85% cả nước. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, riêng năm 2022 đạt 9,05%; thu ngân sách năm 2022 thực hiện trên 20.000 tỷ đồng. Một số lĩnh vực từng bước định hình là trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, như y tế, giáo dục và đào tạo, tài chính - ngân hàng...

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, quá trình thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị vẫn còn tồn tại, hạn chế.

Xây dựng cơ chế mới để Nghệ An phát huy thế mạnh, để không ‘đi trước về sau’ - Ảnh 2.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Ảnh: VGP/HT

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đặt vấn đề: "Phải chăng "Nghệ An đi trước về sau" là câu nói đã trở thành sự thật, là thực tiễn đang diễn ra và chúng ta mặc nhiên chấp nhận điều đó? Một tỉnh "đi đầu, dậy trước" trong phong trào cách mạng, quê hương của Xô Viết – Nghệ Tĩnh, nhưng từ khi Đổi mới đến nay vẫn luôn nằm trong top những tỉnh phải nhận điều chuyển trợ cấp ngân sách từ Trung ương và sau nhiều năm phấn đấu, GRDP bình quân đầu người mới chỉ đạt 2/3 mức trung bình của cả nước. Một tỉnh có nguồn lao động dồi dào, giáo dục được khẳng định vị trí top đầu cả nước với truyền thống hiếu học, có những trường đại học, cao đẳng lớn, nhưng vẫn loay hoay với bài toán phát triển các ngành công nghệ cao, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên nền tảng tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Một tỉnh được hưởng những cơ chế đặc thù, có nguồn tài nguyên phong phú, có nguồn nhân lực chất lượng cao, nhưng vẫn chưa thể thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược".

Xây dựng cơ chế mới để Nghệ An phát huy thế mạnh, để không ‘đi trước về sau’ - Ảnh 3.

Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 26-NQ/TW - Ảnh: VGP/HT

Cần quy hoạch đủ tầm nhìn và cơ chế tạo đột phá mới

Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho rằng, sự gia tăng FDI ở Nghệ An thời gian gần đây là một dấu hiệu khích lệ, song mới bước đầu, chưa rõ xu thế chất lượng (xu thế thời đại), do đó, thời gian tới cần quan tâm thu hút đầu tư từ doanh nghiệp dẫn dắt; thu hút người tài để phát huy và gánh vác sứ mệnh tương lai của Nghệ An.

Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho rằng, bản thân Nghệ An cũng phải đề xuất những cơ chế, chính sách vượt trội, giải pháp đột phá từ Trung ương và nỗ lực, quyết tâm cao để nắm lấy những cơ hội, vận hội triển khai hiệu quả, thực hiện hiệu quả sứ mệnh của mình.

Xây dựng cơ chế mới để Nghệ An phát huy thế mạnh, không ‘đi trước về sau’ - Ảnh 3.

Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng - Ảnh:VGP/HT

Theo nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Nghệ An cần coi công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn là bước đi quan trọng, phát triển kinh tế số, gắn liền với cải cách hành chính, đưa CMCN 4.0 vào một cách toàn diện, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

"Nghệ An cần cơ chế gì phải đề xuất kịp thời, để thực hiện được mục tiêu dân giàu tỉnh mạnh, tránh rơi vào tình trạng có nghị quyết sớm nhưng hoàn thành các mục tiêu chậm", nguyên Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Phát biểu tổng kết hội thảo, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 26-NQ/TW nhấn mạnh, Nghị quyết 26 ban hành đã tạo ra cơ sở quan trọng để Nghệ An phát triển trong thời gian qua. Tuy nhiên với bối cảnh mới, Nghệ An cần có một nghị quyết mới, phù hợp với phát triển địa phương, vùng và cả nước.

Xây dựng cơ chế mới để Nghệ An phát huy thế mạnh, để không ‘đi trước về sau’ - Ảnh 4.

Toàn cảnh Hội thảo - Ảnh: VGP/ HT

Các đại biểu tham dự hội thảo đều thống nhất cao về việc đề nghị Ban Chỉ đạo đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới "về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" để tiếp tục khẳng định quan điểm của Đảng về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Nghệ An đối với vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và cả nước; là cơ sở để Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương hoàn thiện, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù và bổ sung nguồn lực để phát triển bền vững tỉnh Nghệ An xứng đáng là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đồng chí Trần Tuấn Anh khẳng định, ý kiến của các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học tại hội thảo hôm nay là cơ sở để Ban Chỉ đạo hoàn thiện Đề án tổng kết Nghị quyết số 26-NQ/TW; Ban Chỉ đạo giao Tổ Biên tập chắt lọc, tổng hợp đưa vào trong Báo cáo tổng kết Nghị quyết đảm bảo phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ tổng kết đề ra, báo cáo Ban Chỉ đạo trước khi trình Bộ Chính trị.

Huy Thắng