Ảnh minh họa |
Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính là một trong những cơ sở dữ liệu quốc gia được xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu truy nhập và sử dụng thông tin của các cơ quan nhà nước, có mối quan hệ chặt chẽ và sử dụng các thông tin cơ bản về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Bộ Tư pháp đang dự thảo Nghị định quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính.
Bộ Tư pháp cho biết, Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2013. Việc triển khai thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính tác động đến hầu hết các chủ thể trong xã hội. Điều này đòi hỏi phải thiết lập, xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính với mục đích theo dõi, quản lý việc xử phạt vi phạm hành chính của những người có thẩm quyền xử phạt thuộc các cơ quan nhà nước; theo dõi, nắm bắt số lượng, tính chất mức độ và xu hướng phổ biến của các hành vi vi phạm hành chính phục vụ cho việc xác định tái phạm vi phạm hành chính, phục vụ cho công tác truy cứu trách nhiệm hình sự (đối với các hành vi phạm tội mà theo quy định trong Bộ luật Hình sự thì trước đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính); theo dõi, nắm bắt việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy định chi tiết thi hành…
Bộ Tư pháp đã dự thảo Nghị định quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính gồm 4 chương, 23 điều quy định về xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính; trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính.
3 cơ sở dữ liệu thành phần
Theo dự thảo, Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính được xây dựng theo mô hình quản lý dữ liệu tập trung tại Bộ Tư pháp, sử dụng phần mềm dùng chung để cập nhật thông tin, dữ liệu từ cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, cơ quan thi hành quyết định xử phạt, cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, cơ quan thi hành các quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ và UBND các cấp.
Bộ Tư pháp có trách nhiệm quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính.
Dự thảo Nghị định cũng quy định cụ thể các cơ sở dữ liệu thành phần của cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính trên cơ sở các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, bao gồm: 1- Cơ sở dữ liệu về xử phạt vi phạm hành chính; 2- Cơ sở dữ liệu về thi hành quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính; 3- Cơ sở dữ liệu về các biện pháp thay thế với người chưa thành niên.
Theo dự thảo, Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính được duy trì tại Bộ Tư pháp. Nội dung duy trì Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính bao gồm: Vận hành, bảo trì, giám sát, nâng cấp, phát triển, bảo đảm an toàn Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính.
Theo dự thảo, Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính có thể khai thác và sử dụng theo các hình thức sau: Mạng Internet; mạng diện rộng; mạng cục bộ.
Đối tượng được khai thác và sử dụng gồm: Các cơ quan nhà nước; cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, cơ quan thi hành quyết định xử phạt, cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, cơ quan thi hành các quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính.
Mời bạn đọc xem toàn văn và góp ý dự thảo tại đây.
Tuệ Văn