In bài viết

Xây dựng Đề án Sức khoẻ học đường giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030

(Chinhphu.vn) - Đối tượng trọng điểm của Đề án là trẻ em, học sinh mầm non, tiểu học và bám sát yêu cầu xã hội hóa trong thực hiện các nội dung chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, học sinh.

10/05/2021 18:01
Họp ban soạn thảo và tổ biên tập xây dựng Đề án "Sức khoẻ học đường giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030".
Ngày 10/5, tại Bộ GD&ĐT đã diễn ra cuộc họp ban soạn thảo và tổ biên tập xây dựng Đề án "Sức khoẻ học đường giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030" dành cho cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông.

Bộ GD&ĐT cho hay, thời gian vừa qua, công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, học sinh, sinh viên ở các nhà trường được thực hiện nghiêm túc, thường xuyên và mang lại hiệu quả tích cực.

Tuy nhiên, việc cải thiện sức khỏe cho trẻ em, học sinh, sinh viên còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Thực tế tại các nhà trường còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người học, như vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn nước sạch chưa bảo đảm; hoạt động giáo dục thể chất tuy đã được tích cực đổi mới, nhưng vẫn gặp khó khăn về cơ sở vật chất, chưa phát huy được sở thích của người học…

Việc xây dựng Đề án "Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030" nhằm huy động các nguồn lực, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, thực hiện tốt công tác bảo đảm dinh dưỡng, bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, nâng cao thể chất cho trẻ em, học sinh…

Đề án đưa ra được các tiêu chuẩn, quy chuẩn sức khỏe học đường; những tiêu chí cụ thể về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực. Thống nhất đối tượng trong Đề án, trọng tâm là trẻ em, học sinh mầm non, tiểu học nhưng vẫn phải hướng đến học sinh THCS, THPT, đội ngũ cán bộ, giáo viên; tính đến cả đối tượng yếu thế, vùng miền… Đề án bám sát yêu cầu xã hội hóa trong thực hiện các nội dung chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, học sinh.

Đề án cũng nhằm kêu gọi sự chung sức, trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan trong việc nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, học sinh, góp phần đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng.

Có ba nội dung quan trọng dự kiến được đưa vào Đề án để triển khai trong giai đoạn tới gồm: Bảo đảm dinh dưỡng học đường và an toàn thực phẩm bữa ăn bán trú; nâng cao hiệu quả công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao trường học, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em và học sinh; triển khai công trình nước sạch, nhà vệ sinh tại các trường học.

Tại cuộc họp, các chuyên gia, thành viên ban soạn thảo đã thảo luận về dự thảo Đề án, đóng góp ý kiến tập trung vào các vấn đề: Làm rõ khái niệm, đối tượng được đưa ra trong Đề án. Nêu cụ thể thực trạng, khó khăn và thách thức trong việc cải thiện sức khỏe trẻ em, học sinh trong trường học, từ đó thống nhất các tiêu chí, tiêu chuẩn, chỉ tiêu thực hiện.

Bên cạnh đó, bổ sung thêm một số tiêu chuẩn bảo đảm an toàn, vệ sinh trường học như: Bàn ghế học sinh, nhà vệ sinh học đường; bổ sung nguồn nhân lực tham gia thực hiện Đề án, ngoài nhân viên y tế trường học cần đưa vào cả giáo viên giáo dục thể chất, cán bộ, giáo viên dạy các môn văn hóa. Đề cập đến vai trò gia đình, nhà trường, xã hội trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe học sinh…

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh đã đề nghị ban soạn thảo và tổ biên tập đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện Đề án để bảo đảm có được Đề án hoàn chỉnh trình Chính phủ vào tháng 7 tới. Tổ biên tập cần xây dựng nhanh kế hoạch Đề án để Bộ GD&ĐT triển khai cuộc họp lấy ý kiến mở rộng vào tuần 3 của tháng 5. Tiếp đó, tuần 4 tháng 5 sẽ họp Ban soạn thảo, tổ biên tập để đầu tháng 6 gửi ý kiến cho các bộ, ngành liên quan góp ý.

Ban soạn thảo sẽ tiếp tục tập trung đánh giá thực trạng, rà soát thách thức khi triển khai Đề án; bám sát cấu trúc Đề án, làm rõ trách nhiệm, phân công nhiệm vụ giữa ngành giáo dục và y tế, Viện dinh dưỡng cùng các đơn vị liên quan.

Nhật Nam