In bài viết

Xây dựng đội ngũ hành nghề công chứng đủ số lượng, bảo đảm chất lượng

(Chinhphu.vn) - Hoạt động công chứng góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch dân sự, thương mại, phòng ngừa tranh chấp, khiếu kiện, tiết kiệm chi phí cho xã hội

02/03/2024 10:11
Xây dựng đội ngũ hành nghề công chứng đủ số lượng, bảo đảm chất lượng- Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự Hội thảo về Luật Công chứng (sửa đổi) do Ủy ban Pháp luật tổ chức - Ảnh: VGP/LS

Sửa Luật Công chứng khắc phục hạn chế, bất cập

Chiều ngày 01/3, tại Bắc Giang, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo góp ý về dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi đồng chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn và các chuyên gia, nhà quản lý, đại diện các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan.

Khai mạc Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, qua hơn 08 năm thi hành Luật Công chứng năm 2014, hoạt động công chứng có nhiều bước tiến mới, chất lượng đội ngũ công chứng viên ngày càng được nâng cao, hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng ngày càng chuyên nghiệp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, thực tiễn thi hành Luật Công chứng cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần khắc phục như: chất lượng đội ngũ công chứng viên còn chưa đồng đều, một bộ phận công chứng viên còn hạn chế về trình độ chuyên môn; việc triển khai định hướng phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại các địa phương còn chưa đồng bộ…

Do vậy, việc xây dựng dự án Luật Công chứng (sửa đổi) để thay thế cho Luật Công chứng năm 2014 là cần thiết, góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, đồng thời tạo điều kiện để tiếp tục phát triển hoạt động công chứng theo định hướng xã hội hóa, ổn định, bền vững, phù hợp với thông lệ quốc tế. Để có thêm thông tin phục vụ việc thẩm tra dự án Luật Công chứng (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024), Ủy ban Pháp luật tổ chức Hội thảo để lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự án Luật.

Các tham luận và thảo luận về phạm vi hoạt động công chứng và thẩm quyền của công chứng viên; đào tạo nghề công chứng, tập sự hành nghề công chứng; bổ nhiệm, miễn nhiệm công chứng viên; tổ chức và hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng; thủ tục công chứng giao dịch và công chứng điện tử; quản lý nhà nước về công chứng; xử lý vi phạm trong lĩnh vực công chứng, giải quyết khiếu nại trong hoạt động công chứng, giải quyết tranh chấp trong hoạt động công chứng đã thu hút được sự chú ý tại Hội thảo. 

Trong đó, một số quy định cụ thể trong dự thảo Luật được các đại biểu tập trung thảo luận, nhất là về độ tuổi hành nghề của công chứng viên; việc miễn, giảm thời gian đào tạo nghề công chứng; việc chuyển giao thẩm quyền chứng thực giao dịch từ Phòng Tư pháp cấp huyện, UBND cấp xã sang tổ chức hành nghề công chứng; nguyên tắc thành lập tổ chức hành nghề công chứng…

Xây dựng đội ngũ hành nghề công chứng đủ số lượng, bảo đảm chất lượng- Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: VGP/LS

Xây dựng đội ngũ hành nghề công chứng đủ số lượng, bảo đảm chất lượng

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi cảm ơn các đại biểu đã có ý kiến thiết thực góp ý với dự thảo Luật. Thứ trưởng khẳng định quan điểm xây dựng dự án Luật Công chứng (sửa đổi) bám sát tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới, với nhiệm vụ cụ thể là "Tiếp tục hoàn thiện cơ chế huy động nguồn lực để xã hội hóa và phát triển các lĩnh vực công chứng; xây dựng đội ngũ hành nghề công chứng đủ về số lượng và bảo đảm chất lượng, hoạt động chuyên nghiệp, tuân thủ pháp luật và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội". 

Từ quan điểm, chủ trương của Đảng, Bộ Tư pháp, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục xác định rõ vị trí, vai trò của hoạt động công chứng là một nghề bổ trợ tư pháp; công chứng viên là người đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện chặt chẽ, được Nhà nước bổ nhiệm, miễn nhiệm và có chức năng xã hội là cung cấp dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm thực hiện; hoạt động công chứng phải góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch trong xã hội, nhất là giao dịch về bất động sản, phòng ngừa tranh chấp, khiếu kiện, hỗ trợ hoạt động xét xử; tiết kiệm chi phí cho Nhà nước và xã hội, qua đó góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. 

Thứ trưởng Mai Lương Khôi thông tin thêm, trong quá trình xây dựng dự án Luật, nhiều ý kiến của đại biểu đưa ra thảo luận cũng đã được xem xét, cân nhắc trước khi Chính phủ thống nhất phương án để trình Quốc hội cho ý kiến. Bộ Tư pháp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật.

Kết thúc hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng ghi nhận các ý kiến phát biểu có nội dung rất phong phú, sâu sắc, cung cấp nhiều kinh nghiệm hoạt động công chứng trong nước và quốc tế; các tham luận có tính lý luận và thực tiễn cao, gợi mở thêm nhiều vấn đề bổ ích, thiết thực cho việc thẩm tra dự án Luật; đồng thời đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý tại hội thảo, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội trong quá trình thẩm tra sơ bộ dự án Luật, bảo đảm tiến độ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 3/2024.

Lê Sơn