Ông Nguyễn Thành Phong, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương: Đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt-là cán bộ cấp chiến lược tại các DN nhà nước đóng vai trò then chốt trong hoạt động của DN nhà nước - Ảnh:VGP. |
Ban Kinh tế Trung ương đã nhận được nhiều ý kiến về các vấn đề vướng mắc liên quan đến công tác cán bộ tại DNNN từ bộ ngành, các tỉnh thành, các chuyên gia, nhà khoa học và DN. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh và sự phát triển của DNNN.
Ông Nghiêm Xuân Đa, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước, cho rằng công tác quy hoạch cán bộ cần phải bảo đảm tính "mở" và "động", mở rộng dân chủ, công khai, không khép kín. Cán bộ đưa vào quy hoạch phải bảo đảm về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; có năng lực thực tiễn, thể hiện được uy tín thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm và kết quả đánh giá cán bộ hằng năm.
Quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý cần phát hiện sớm nguồn cán bộ trẻ có đức, có tài, có triển vọng về khả năng lãnh đạo, quản lý, đưa vào quy hoạch để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng.
Còn ông Chu Đình Động, Trưởng Ban Tổ chức Đảng uỷ Khối DN Trung ương, cho biết tính đến tháng 5/2021, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của 33 DN trong Khối gồm 154 người, trong đó có 31 Chủ tịch HĐTV/HĐQT, 91 thành viên HĐTV/HĐQT, 32 Tổng giám đốc.
Nhìn chung, các cán bộ quản lý đều có lập trường chính trị tư tưởng vững vàng, có phẩm chất đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật tốt, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; có tư duy đổi mới...; có ý chí vươn lên, năng động, sáng tạo,...
Tuy nhiên, trong thời gian qua vẫn còn một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý DN trong Khối chưa đáp ứng yêu cầu về năng lực quản lý, điều hành; tầm nhìn và khả năng hoạch định chiến lược sản xuất kinh doanh còn hạn chế, chậm thích ứng…
Sau hội thảo, các ý kiến, kiến nghị và đề xuất của các bộ, ngành, DN Nhà nước, chuyên gia và các nhà khoa học sẽ được Ban Kinh tế Trung ương cùng các cơ quan, tổ chức có liên quan tổng hợp- Ảnh:VGP. |
“Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, không ít trường hợp còn cảm tính, nể nang, dễ dãi hoặc định kiến”, ông Nguyễn Hồng Long nói.
Về giải pháp, ông Nguyễn Hồng Long cho rằng các tổ chức cơ sở Đảng trong DNNN cần tập trung thực hiện tốt việc tăng cường định hướng chính trị trên tất cả các mặt hoạt động của DN thông qua các nghị quyết, kết luận... của Đảng trong lĩnh vực này.
Cần xác định nhiệm vụ chính trị đúng đắn chi phối toàn bộ quá trình, mọi hoạt động của DN đều xoay quanh nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị đã được xác định.
Sau hội thảo, các ý kiến, kiến nghị và đề xuất của các bộ, ngành, DN nhà nước, chuyên gia và các nhà khoa học sẽ được Ban Kinh tế Trung ương cùng các cơ quan, tổ chức có liên quan tổng hợp, chắt lọc và tiếp thu để hoàn thiện Đề án “Xây dựng quy định về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ quản lý, quản trị DNNN phù hợp với thể chế chính trị, cơ chế thị trường và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế” trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư vào năm 2022.
Hội thảo “Xây dựng đội ngũ lãnh đạo chủ chốt tại các DNNN ngang tầm nhiệm vụ: Thực trạng và giải pháp” nằm trong chương trình xây dựng Đề án “Xây dựng quy định về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ quản lý, quản trị DNNN phù hợp với thể chế chính trị, cơ chế thị trường và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế”. Đề án được Bộ Chính trị giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng nhằm thực hiện mục tiêu: “Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế. Cơ cấu lại DNNN nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội và bảo toàn, phát triển vốn Nhà nước tại DN” theo tinh thần của Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN”.
|
Anh Minh