Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 được xây dựng trên nguyên tắc bảo đảm tính kế thừa các nội dung của Luật Giao thông đường bộ năm 2002 với nhiều điểm mới và quy định cụ thể, chặt chẽ như: Kiểm soát chặt hơn đối với người uống bia, rượu khi tham gia giao thông; quy định người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy 2 bánh, xe đạp điện phải đội mũ bảo hiểm; quy định về vấn đề bảo đảm an toàn cho người đi bộ và người khuyết tật; bổ sung độ tuổi trẻ em được chở trên mô tô, xe gắn máy; nâng độ tuổi đối với lái xe hạng D, E, FC;...
Đối với hoạt động vận tải, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định chặt chẽ các điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô như quy định điều kiện về tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ, quy định về bộ phận quản lý các điều kiện an toàn giao thông đối với đơn vị kinh doanh vận tải hành khách; bổ sung quy định gắn thiết bị giám sát hành trình đối với phương tiện kinh doanh vận tải;...
Qua 15 năm thực hiện, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động giao thông vận tải đường bộ; góp phần hình thành ý thức tuân thủ pháp luật cho người tham gia giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên toàn quốc; thúc đẩy phát triển giao thông vận tải và kinh tế đất nước; tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động tham gia vào hoạt động giao thông vận tải với các nước trong khu vực.
Bên cạnh các kết quả tích cực, trong quá trình triển khai thi hành Luật Giao thông đường bộ 2008, một số tồn tại và hạn chế đã xuất hiện như: Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác xử lý vi phạm về giao thông đường bộ còn hạn chế; số lượng doanh nghiệp vận tải, dịch vụ logistics có đủ năng lực dẫn dắt thị trường và cạnh tranh quốc tế còn ít; kết cấu hạ tầng đường bộ chưa đầy đủ, đồng bộ;...
Vì vậy, việc xây dựng dự án Luật Đường bộ là rất cần thiết nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về kết cấu hạ tầng đường bộ; tăng cường quản lý Nhà nước, thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ; thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai pháp luật về giao thông đường bộ.
Tại phiên họp, các thành viên đã thảo luận, cho ý kiến về các nội dung cụ thể tại dự thảo dự án Luật.
Theo đó, về vấn đề xây dựng, lắp đặt biển quảng cáo, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị cơ quan soạn thảo phải làm rõ và đánh giá tác động kinh tế - xã hội khi quy định “biển quảng cáo được lắp đặt tại các vị trí trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ, trừ đường cao tốc và hành lang đường bộ tại nút giao”. Theo đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay có nhiều biển quảng cáo đã được xây dựng, lắp đặt tại đường cao tốc. Vì vậy, nếu quy định theo hướng cấm hoàn toàn việc xây dựng, lắp đặt biển quảng cáo trên đường cao tốc thì phải có quy định xử lý đối với các biển quảng cáo đã tồn tại; còn nếu quy định theo hướng biển quảng cáo không được lắp đặt tại những địa điểm này kể từ khi Luật có hiệu lực thi hành thì phải có điều khoản chuyển tiếp, tránh gây thiệt hại cho các công ty quảng cáo.
Ngoài ra, đối với khoản tiền giá sử dụng theo giá ký hợp đồng và đề án khai thác được duyệt, đồng chí đề nghị phải đánh giá tác động của quy định này đến tổ chức, cá nhân xây dựng, lắp đặt biển quảng cáo; đồng thời phải có quy định cụ thể về cách thức, hình thức nộp cũng như cơ quan quản lý khoản tiền này.
Đại diện Bộ Xây dựng nhấn mạnh, đường đô thị có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc phát triển đô thị. Do đó, để đáp ứng nhu cầu quản lý, triển khai quy hoạch trong thực tế, đại diện Bộ Xây dựng đề nghị cần sửa đổi, bổ sung định nghĩa về loại đường này, cụ thể như sau: “Đường đô thị là đường trong phạm vi địa giới hành chính nội thành, nội thị và đường được xác định trong đồ án quy hoạch đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt”. Đồng thời, do đường đô thị có tính chất đặc thù riêng, đồng chí đề xuất bổ sung quy định phân loại đường đô thị theo chức năng và theo yêu cầu kỹ thuật.
Là tổ chức nghề nghiệp, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, loại hình kinh doanh vận tải khách du lịch không còn quy định trong dự án Luật Đường bộ. Tuy nhiên, đây là loại hình kinh doanh vận tải đang hoạt động; có xu hướng ngày càng tăng; yêu cầu quản lý có nhiều nội dung khác biệt so với các loại hình vận tải khác như: Điều kiện về người lái xe; nhân viên phục vụ trên xe; xe du lịch phải được vào các điểm du lịch trong khi các phương tiện kinh doanh vận tải theo hình thức khác không được vào...Vì vậy, đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề nghị tiếp tục quy định loại hình kinh doanh vận tải này trong Luật Đường bộ.
Bên cạnh đó, đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề nghị ban soạn thảo bổ sung thêm các quy định nhằm thúc đẩy sự phát triển xe điện của Việt Nam; đồng thời đề xuất tổ chức thí điểm các mô hình sử dụng xe điện và nhân rộng khi có hiệu quả.
Tổng hợp ý kiến tại phiên họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đánh giá nội dung dự thảo dự án Luật cơ bản phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp. Để hoàn thiện dự thảo dự án Luật, Thứ trưởng đề nghị Ban soạn thảo rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để bảo đảm tính thống nhất của dự án Luật với hệ thống pháp luật; đánh giá thêm về sự phù hợp của dự thảo Luật với các điều ước quốc tế song phương, đa phương mà Việt Nam là thành viên; rà soát, đánh giá tác động của các thủ tục hành chính trong dự án.
Đồng thời, Ban soạn thảo cần bổ sung thêm các quy định nhằm thể chế hóa nội dung đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm trong quản lý Nhà nước về giao thông theo Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị Ban soạn thảo giải trình các nội dung mới, các nội dung dẫn đến việc thay đổi phạm vi điều chỉnh của dự án Luật tại Tờ trình; lược bỏ các quy định về tổ chức bộ máy; về thuế, phí; về thanh tra, kiểm tra, tránh trùng lặp với các luật chuyên ngành.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, phương tiện giao thông văn minh, tiện nghi, ít phế thải, thân thiện với môi trường đang là xu hướng chung của thế giới và xã hội hiện đại, vì vậy cần có cơ chế, chính sách và lộ trình cụ thể để phát triển hệ thống giao thông xanh bền vững tại Việt Nam. Đồng thời, giao thông cho người khuyết tật cũng đang là một vấn đề đáng quan tâm. Thứ trưởng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu các giải pháp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận giao thông công cộng của người khuyết tật, đáp ứng nhu cầu hòa nhập xã hội, cộng đồng của họ.
Dự thảo Luật Đường bộ gồm 6 chương, 92 điều: Chương I: Quy định chung; chương II: Kết cấu hạ tầng đường bộ; chương III: Đường cao tốc; chương IV: Vận tải đường bộ; chương V: Quản lý Nhà nước về hoạt động đường bộ; chương VI: Điều khoản thi hành.
So với dự thảo Luật Giao thông đường bộ năm 2008, dự án Luật Đường bộ đã chuyển 3 chương sang Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đó là chương: Quy tắc giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
LS