Sáng 10/3, UBND TPHCM tổ chức Hội nghị sơ kết công tác phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2020 và công bố Chương trình phát triển nhà ở TPHCM giai đoạn 2021-2030. Phó Chủ tịch UBND Thành phố Bùi Xuân Cường chủ trì hội nghị.
Theo ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, giai đoạn 2016-2020, Thành phố đã xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng 19 dự án nhà ở xã hội với tổng diện tích tăng thêm 1,23 triệu m2 sàn, đạt 69,2% so với chỉ tiêu đề ra. Trong đó, khu vực nội thành phát triển đóng vai trò chủ đạo, tăng 930.936 m2 sàn; khu vực huyện ngoại thành chiếm tỷ trọng lớn thứ 2, đạt 159.305 m2 sàn; khu vực nội thành hiện hữu có tốc độ tăng chậm lại và khu vực trung tâm hiện hữu không có dự án nhà ở xã hội.
Đối với nhà lưu trú công nhân, đã đầu tư xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng 15 dự án, tổng diện tích đất 7 ha, quy mô 1.449 phòng, đáp ứng 7.596 chỗ ở cho công nhân. Đối với ký túc xá sinh viên, đã hoàn thành đưa vào sử dụng một dự án với tổng diện tích sàn xây dựng 4.215 m2, đáp ứng 423 chỗ ở cho sinh viên.
9 tháng năm 2022, TPHCM đã hoàn thành đưa vào sử dụng một dự án nhà ở xã hội 7 với tổng diện tích đất 0,43 ha, 32.668 m2 sàn xây dựng, quy mô 260 căn hộ. Theo Kế hoạch phát triển nhà ở TPHCM giai đoạn 2021-2025, trong giai đoạn còn lại, phấn đấu phát triển 2,467 triệu m2 sàn xây dựng nhà ở xã hội.
Nêu những khó khăn trong xây dựng nhà ở xã hội, ông Huỳnh Thanh Khiết cho hay, thứ nhất là khó khăn về xác định chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật và chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng để thanh toán cho nhà đầu tư khi bàn giao lại quỹ đất ở 20% trong dự án cho Nhà nước do Bộ Xây dựng chưa có hướng dẫn cụ thể để thực hiện.
Khó khăn thứ 2 là về thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội, khi quy định về thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội nhiều hơn và khó hơn so với quy định về thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại. Ngoài ra là khó khăn trong việc xử lý vi phạm trường hợp không trình thẩm định giá nhà ở xã hội của chủ đầu tư, cùng nhiều khó khăn về mặt pháp lý khác.
Từ đó, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM kiến nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu bổ sung quy định về xử lý vi phạm trường hợp không trình thẩm định giá nhà ở xã hội của chủ đầu tư. Ông cũng kiến nghị Chính phủ cho phép chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp, khu chế xuất được vay vốn tín dụng ưu đãi theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Còn theo Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM Nguyễn Đức Lệnh, từ năm 2018, chi nhánh được Trung ương giao vốn để thực hiện chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100 của Chính phủ với lãi suất là 4,8% mỗi năm trong 25 năm. Tuy nhiên, sau 5 năm, chi nhánh này chỉ cho được 310 khách hàng vay số tiền 150 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, nguyên nhân khiến ít người tiếp cận được gói vay lãi suất thấp này, ngoài lý do thiếu nguồn cung nhà ở xã hội, thì còn do số tiền để mua được nhà ở xã hội vẫn lớn so với những người thu nhập thấp.
Vì vậy, ông Lệnh kiến nghị Chính phủ xem xét nâng mức cho vay tối đa với các trường hợp vay để xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở, từ 500 triệu đồng lên không quá 1 tỷ đồng.
Tại hội nghị, Sở Xây dựng TPHCM cũng đã công bố Chương trình phát triển nhà ở TPHCM giai đoạn 2021-2030. Riêng đối với nhà ở xã hội, giai đoạn 2021-2025, Thành phố dự kiến phát triển khoảng 2,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, tương ứng khoảng 35.000 căn nhà. Trong đó, nhà ở cho thuê phấn đấu đạt khoảng 500.000 m2 sàn, tương ứng khoảng 7.000 căn hộ; nhà ở lưu trú công nhân phấn đấu đạt trên 220.000 m2 sàn, tương ứng khoảng 4.500 căn hộ.
Giai đoạn 2026-2030, dự kiến phát triển khoảng 4,08 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, tương ứng khoảng 58.000 căn nhà. Trong đó, nhà ở cho thuê phấn đấu đạt khoảng 816.000 m2 sàn, tương ứng khoảng 11.600 căn hộ; nhà ở lưu trú công nhân phấn đấu đạt trên 480.000 m2 sàn, tương ứng khoảng 8.000 căn hộ.
Nguồn vốn ngân sách để đầu tư phát triển nhà ở xã hội dự kiến chiếm khoảng 10% tổng nguồn vốn để đầu tư phát triển nhà ở xã hội của Thành phố, tương đương khoảng 3.770 tỷ đồng giai đoạn 2021-2025 và khoảng 8.640 tỷ đồng giai đoạn 2026-2030 nhằm đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước để cho thuê, cho thuê mua (bao gồm cả nhà ở xã hội cho công nhân).
Đối với các chương trình mục tiêu, như cải tạo chung cư cũ, di dời nhà ở trên và ven kênh rạch thì triển khai thực hiện trên cơ sở nguồn vốn ngân sách được phê duyệt riêng cho từng chương trình.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Bùi Xuân Cường nhìn nhận, để triển khai chương trình phát triển nhà ở giai đoạn mới, Thành phố phải trải qua rất nhiều thách thức. Vì vậy, cần sự phối hợp đồng bộ giữa Sở Xây dựng với các sở, ngành và UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức để tập trung thực hiện. Trong quá trình thực hiện, cần phát hiện và phân loại theo nhóm các vướng mắc để có đề xuất, kiến nghị giải quyết.
Ông Bùi Xuân Cường cho rằng, tất cả các dự án nhà ở hiện này đều bị "tắc" ở khâu chấp thuận chủ trương đầu tư. Vì vậy, ông đề nghị Sở KH&ĐT Thành phố tiếp tục tham mưu, đề xuất các vấn đề liên quan đến thủ tục trong chấp thuận chủ trương đầu tư để gỡ vướng cho các dự án.
Sở TN&MT chủ trì tham mưu UBND Thành phố về kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất hằng năm, bảo đảm quỹ đất để thực hiện các dự án phát triển nhà ở, tạo quỹ đất sạch để thực hiện các dự án nhà ở xã hội.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố cũng giao Sở Tài chính xây dựng dự toán ngân sách hằng năm đối với các dự án nhà ở xã hội, các dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch, cải tạo chung cư cũ…
Vũ Phong