In bài viết

Xây dựng khung pháp lý toàn diện để bảo vệ trẻ em

(Chinhphu.vn) - Trong phiên làm việc sáng 12/11, Quốc hội đã nghe Dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền trình bày.

12/11/2015 19:38

Theo Tờ trình của Chính phủ, Dự thảo Luật đã thể chế hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong tình hình mới. Đồng thời cũng kế thừa, phát triển những quy định còn phù hợp của Luật năm 2004, bổ sung các quy định mới để giải quyết những vấn đề vướng mắc của thực tiễn trong thực hiện các quyền trẻ em.

Nội dung thay đổi căn bản là chuyển từ tiếp cận theo nhu cầu, tập trung giải quyết những vấn đề trọng tâm, trọng điểm đối với trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng sang xây dựng khung pháp lý toàn diện và tiếp cận dựa trên quyền trẻ em.

Dự thảo cũng bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm lập pháp của các nước trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bảo đảm quyền trẻ em, đặc biệt về bảo vệ trẻ em; hội nhập quốc tế, hài hòa các quyền trẻ em và nguyên tắc trong Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em, các điều ước quốc tế khác có liên quan.   

So với Luật năm 2004, Dự thảo mở rộng khái niệm trẻ em cả về độ tuổi và phạm vi. Điều 1 quy định “trẻ em là người dưới mười tám tuổi”, không giới hạn là công dân Việt Nam. Việc quy định như vậy nhằm đảm bảo tính thống nhất, phù hợp của luật này với Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em, các điều ước quốc tế và hệ thống pháp luật Việt Nam. Quan điểm này của cơ quan chủ trì soạn thảo được cơ quan thẩm tra của Quốc hội nhất trí.

Về tên gọi của Luật, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhất trí đổi tên Luật thành Luật Trẻ em.

Tên gọi này ngắn gọn, bao quát đầy đủ phạm vi điều chỉnh của Luật và phù hợp với cách đặt tên của những Luật đã được ban hành liên quan đến nhóm đối tượng đặc thù như: Luật Thanh niên, Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật.

Xuân Tuyến