In bài viết

Xây dựng lực lượng kiểm lâm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới

(Chinhphu.vn) - Trong hội thảo khoa học "Kiểm lâm Việt Nam 50 năm xây dựng và phát triển" do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 19/5, các nội dung thảo luận tập trung vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bổ sung cơ chế chính sách để địa phương, chủ rừng, người dân và toàn xã hội tham gia bảo vệ và phát triển rừng, bảo đảm đa dạng an toàn sinh học.

19/05/2023 19:23
Xây dựng lực lượng kiểm lâm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội thảo - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Lực lượng kiểm lâm Việt Nam được thành lập ngày 21/5/1973 theo Nghị định của Hội đồng Chính phủ. Qua 50 năm thành lập và phát triển, lực lượng kiểm lâm đã khẳng định được vai trò, vị trí trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó với phương châm "bám dân, bám rừng"; kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng; thực hiện ngày càng có hiệu quả chủ trương xã hội hoá công tác quản lý bảo vệ rừng…

Đứng trước yêu cầu đổi mới, nhất là giai đoạn hiện nay khi khoa học công nghệ tiên tiến, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo ngày càng phát triển đòi hỏi lực lượng kiểm lâm cần có sự đổi mới về tư duy, phương pháp quản lý, ứng dụng công nghệ tiên tiến phục vụ công việc hiệu quả hơn ngoài nguồn lực về tài chính, chính sách, phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lực lượng kiểm lâm.

Ông Lê Công Trường, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông nêu ý kiến, cần có chính sách thỏa đáng cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang thực hiện công tác bảo vệ rừng tự nhiên, bảo đảm có nguồn lực thực tế để họ yên tâm bảo vệ rừng. 

Ông Trường cho biết: "Tỉnh Đăk Nông có giải pháp khoanh vùng người dân di cư đến sinh sống. Sau đó chuyển giao về cho địa phương để địa phương có chế độ chính sách giúp người dân yên tâm tổ chức sản xuất. Đồng thời, chúng tôi cũng lồng ghép với các đề án nông lâm kêu gọi người dân tham gia cùng hỗ trợ với nhau và chia sẻ trách nhiệm, lợi ích trong công tác quản lý, bảo vệ rừng".

Nhờ việc xã hội hóa công tác bảo vệ rừng, cả nước hiện có gần 11.408 nghìn ha rừng được giao cho các chủ rừng quản lý, bảo vệ; 5.183 công chức kiểm lâm được phân công về phụ trách địa bàn xã; 612 chủ rừng thành lập được lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách với số biên chế là 12.823 người…

Theo Cục trưởng Cục Kiểm lâm Bùi Chính Nghĩa, việc quản lý, bảo vệ và phát triển hơn 14 triệu ha rừng; bảo đảm tỉ lệ che phủ của rừng ổn định ở mức 42% là một trong những nhiệm vụ cấp bách và lâu dài của lực lượng kiểm lâm. Bên cạnh đó, là xây dựng đội ngũ kiểm lâm kỷ cương, chuyên nghiệp, đạo đức, trách nhiệm.

Ông Nghĩa nhấn mạnh: "Lực lượng kiểm lâm là lực lượng nòng cốt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng nhưng không thể một mình kiểm lâm có thể làm được hết mọi việc. Quan trọng nhất là xác định được trách nhiệm các bên liên quan, đặc biệt là trách nhiệm của những người chủ rừng và có sự quan tâm của chính quyền địa phương các cấp. Khi có được sự phối kết hợp tốt giữa các bên liên quan thì bảo vệ rừng trong thời gian tới sẽ được tốt hơn".

Cũng tại hội thảo, các đại biểu đóng góp ý kiến về việc kiện toàn bộ máy kiểm lâm ở địa phương; tăng cường phân cấp, phân quyền trong bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn bảo đảm đa dạng an toàn sinh học.

Đỗ Hương