Bài 1: Hành trình bắt nguồn từ một khâu đột phá
Trong những năm qua, Hà Nội đã chứng tỏ sức vươn mạnh mẽ trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp; lấy hiệu quả, mức độ thụ hưởng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo và đã thu về những kết quả đáng ghi nhận.
Dù không phải thuộc nhóm dẫn đầu trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hằng năm, song nhiều năm liên tục TP. Hà Nội nằm trong Top 10 bảng xếp hạng PCI, thuộc nhóm địa phương có chất lượng điều hành tốt.
Đây là kết quả đáng ghi nhận, bởi Hà Nội là địa phương có số lượng doanh nghiệp lớn nhất cả nước, khối lượng công việc của chính quyền các cấp rất nhiều, trong khi cuộc đua PCI ngày càng mạnh mẽ. Việc giữ thứ hạng và tăng điểm ở các chỉ số thành phần cho thấy tinh thần, quyết tâm và sự kiên trì của Hà Nội trong cải thiện chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh.
Với tinh thần cầu thị, lãnh đạo Thành phố thường xuyên có các cuộc gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe các kiến nghị của doanh nghiệp để đổi mới, cải cách, nâng cao chất lượng phục vụ. Đặc biệt, ngay sau khi chỉ số PCI được công bố, Thành phố đều phân tích sát sao từng chỉ số thành phần, đề xuất các giải pháp khắc phục hạn chế.
Ngày 22/8, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Chỉ thị số 13/CT-UBND về việc nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022.
Theo đó, để phấn đấu đưa chỉ số PCI của TP. Hà Nội nằm trong nhóm các địa phương có thứ hạng cao trên cả nước, người đứng đầu Thành phố đã thẳng thắn chỉ rõ các chỉ số thành phần giảm hạng đáng kể và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp, ngành tìm giải pháp khắc phục.
Cụ thể, nhằm cải thiện chỉ số "chi phí không chính thức" (tuy đã tăng bậc so với năm trước nhưng vẫn rơi vào nhóm xếp hạng rất thấp), Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện thực hiện đồng bộ các giải pháp: Cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí trên mọi lĩnh vực; tăng cường kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân có hành vi nhũng nhiễu, phiền hà tạo gánh nặng cho người dân, đơn vị, doanh nghiệp…
Liên quan tới chỉ số "tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất" (dù tăng 6 bậc so với năm trước nhưng vẫn còn ở nhóm xếp hạng rất thấp), Chủ tịch UBND Thành phố đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu xây dựng khung giá đất sát với giá thị trường; đồng thời không gây khó khăn cho doanh nghiệp khi làm các thủ tục hành chính về đất đai…
Cùng với tinh thần "nhìn thẳng vào thực tế, tự soi vào hoạt động của từng lĩnh vực, thấy điểm nào chưa hợp lý thì cầu thị, tiếp thu", TP. Hà Nội đã và đang đẩy mạnh các giải pháp nhằm mang lại hiệu quả và sự tiện lợi cho người dân, doanh nghiệp. Trong đó, Thành phố đã đơn giản hóa 26 thủ tục, thay thế 33 thủ tục, bãi bỏ 476 thủ tục hành chính... Đồng thời, ban hành nhiều quyết định phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính để các cơ quan, đơn vị phối hợp liên thông, giảm thời gian đi lại, chờ đợi của người dân… Đến nay, tất cả các thủ tục hành chính được tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính được giám sát chặt chẽ nên đã giảm thiểu tình trạng nhũng nhiễu, chậm trễ. Thống kê cho thấy, kết quả giải quyết hồ sơ đúng hạn, trước hạn trên địa bàn TP. Hà Nội đạt tỉ lệ trên 99%.
Mới đây, trong phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo đã nhấn mạnh: "Cải cách hành chính là công việc nặng nề, khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, nhưng khó mấy cũng phải làm để tháo gỡ khó khăn, vượt qua các thách thức, huy động mọi nguồn lực cho phát triển; không để lãng phí thời gian, công sức vì thủ tục hành chính, tắc trách và quan liêu của người thi hành công vụ".
Là việc "khó khăn, phức tạp và nhạy cảm", nhưng người đứng đầu Chính phủ đã chỉ rõ là "khó mấy cũng phải làm". Bởi thực tế nếu không làm, hoặc làm hời hợt, không tới nơi, tới chốn sẽ cản trở sự phát triển, các khó khăn không được tháo gỡ, các thách thức khó vượt qua.
Các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là người đứng đầu, người thi hành công vụ trực tiếp phải quán triệt quan điểm chỉ đạo trên, cùng với phương châm "nói đi đôi với làm"; cải cách thủ tục hành chính một cách thực chất, không hình thức, lấy sản phẩm, hiệu quả làm thước đo.
Trên tinh thần này, những nhiệm vụ quan trọng và cụ thể hơn cần thực hiện tốt, đó là tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế phục vụ nhiệm vụ cải cách hành chính; rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp…
Tinh thần chỉ đạo trên của Thủ tướng Chính phủ cũng chính là hướng đi và cách làm mà TP. Hà Nội luôn kiên trì theo đuổi. Nhìn lại cả quá trình TP. Hà Nội thực hiện cải cách hành chính, từ một khâu đột phá là cải cách thủ tục hành chính của nhiệm kỳ 2015-2020, tới nay, công cuộc cải cách hành chính của TP. Hà Nội đã được đưa lên một tầm cao mới.
Giai đoạn đầu, Thành phố đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh rà soát thủ tục hành chính theo hướng rút ngắn quy trình, giảm số lượng và đơn giản hóa nội dung hồ sơ. Đồng thời tập trung cải cách thủ tục hành chính trong nội bộ cơ quan hành chính, nâng cao tính minh bạch và khả năng cung cấp dịch vụ công của các đơn vị sự nghiệp công lập và các doanh nghiệp nhà nước.
Giai đoạn 2021-2025, Thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai công tác cải cách hành chính, trọng tâm là "Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nâng cao mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với phục vụ của chính quyền và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số".
Có thể nói, cải cách hành chính ở Hà Nội đã không chỉ dừng lại ở mặt chủ trương, kế hoạch, bởi những chuyển biến trong hệ thống hành chính và môi trường đầu tư trong thời gian qua là dễ dàng đong đếm. Như Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã khẳng định, việc cải cách thủ tục hành chính là đòi hỏi chung của nhân dân và doanh nghiệp, của sự bứt phá và tuy duy muốn hùng cường mà Hà Nội đã và đang làm rất quyết liệt.
Việc Hà Nội đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính được xem bước chuyển quan trọng, tạo đà cho Thủ đô phát triển nhanh và bền vững, phù hợp với tính chất của mô hình chính quyền đô thị theo tinh thần Nghị quyết 97 của Quốc hội mà Hà Nội đang thực hiện thí điểm.
Song Linh
Bài 2: Nhiều sáng kiến, nỗ lực để có nền hành chính phục vụ, vì dân