Hội nghị đã xem xét lại tài liệu thông tin do Ban Thư ký ASEAN đệ trình về các quyết định liên quan của các cuộc họp ASEAN khác; trao đổi quan điểm về tăng cường hợp tác về các vấn đề công vụ thông qua khuôn khổ đối tác chiến lược ACCSM. Là nước chủ nhà của ACCSM 22, Brunei đã báo cáo tóm tắt về kế hoạch cho Hội nghị những Người đứng đầu nền công vụ ACCSM+3 lần thứ 7.
Thống nhất với các nội dung trao đổi tại Hội nghị, ông Mitsuyoshi Harada, Phó Vụ trưởng phụ trách các vấn đề chính sách hành chính, Ban Thư ký cơ quan nhân sự quốc gia Nhật Bản cho biết, cơ quan công vụ nước này luôn quan tâm đến tăng cường nhân lực của nền công vụ; mong muốn tiếp tục hợp tác bền chặt với đại diện ACCSM+3.
Nhật Bản đề xuất đưa một hoạt động vào trong Kế hoạch làm việc ACCSM+3 giai đoạn 2021-2025 là "Hội thảo quốc tế về Kỷ niệm 50 năm quan hệ hợp tác hữu nghị ASEAN-Nhật Bản" dự kiến tổ chức tại Nhật Bản trong năm 2023.
Theo bà Xi Hui, Phó Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, nền công vụ là xương sống của một đất nước. Vì vậy, việc xây dựng một nền công vụ minh bạch, hiện đại, hiệu quả sẽ tạo ra xung lực, hiệu quả phát triển đất nước trong tương lai. Trung Quốc luôn coi trọng việc hợp tác với các nước ASEAN.
Cơ quan công vụ của Trung Quốc cũng rất quan tâm đến cơ chế hợp tác với ASEAN và tham gia tích cực các hoạt động. Bà cho biết, sẽ báo cáo lại kết quả cuộc họp này và mong muốn tăng cường thông tin, giao lưu với các nước ASEAN, thực thi các chương trình, lộ trình đã được thống nhất.
Lee Jeongmin, Bộ Quản lý nhân sự Hàn Quốc cho hay, cơ chế ASEAN+3 cần có cam kết mạnh mẽ hơn từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Bộ Quản lý nhân sự Hàn Quốc đảm nhận việc xây dựng nhân sự cho quốc gia, đang xây dựng hệ thống quản lý nhân sự hiệu quả và mong muốn chia sẻ kinh nghiệm này với các nước ASEAN; đồng thời học hỏi những kinh nghiệm hay từ các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Phát biểu bế mạc ACCSM+3, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhận định, Bộ trưởng, Trưởng đoàn các nước thành viên ASEAN+3 về công vụ đã trao đổi, thống nhất nhiều nội dung quan trọng, cùng chia sẻ nhiều biện pháp thiết thực để đẩy mạnh hợp tác liên kết và kết nối khu vực, tạo động lực mới cho quan hệ giữa ASEAN với ba nước đối tác với mục tiêu hiện đại hóa nền công vụ hướng tới Cộng đồng ASEAN gắn kết và thích ứng.
Bà cũng đánh giá cao đóng góp của các cơ quan công vụ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, Ban Thư ký ASEAN đã tạo điều kiện cho các nước ASEAN cùng phát triển, cùng hợp tác và chia sẻ lợi ích từ tiến trình liên kết khu vực.
Tại các hội nghị của ACCSM 21, các bên cùng cam kết, khẳng định quyết tâm thực hiện thành công các hoạt động thuộc Kế hoạch làm việc ACCSM 2021-2025, các Tuyên bố ASEAN trong lĩnh vực công vụ, Khuôn khổ đối tác chiến lược... để đạt được Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.
Tiếp tục duy trì, thúc đẩy Hợp tác của ACCSM trong các nước thành viên ASEAN, Ban Thư ký ASEAN và với các nước đối tác đối thoại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, đồng thời, mở rộng quan hệ với các nước đối tác đối thoại ASEAN khác để chương trình xây dựng nền công vụ ngày càng hiện đại hơn.
Đồng thời, tăng cường hợp tác liên khu vực, phối hợp liên trụ cột và liên ngành để thúc đẩy quản trị tốt, đóng góp xây dựng một Cộng đồng ASEAN mạnh mẽ, ổn định, tự cường, gắn kết, mang lại chất lượng cuộc sống tốt đẹp cho người dân, hội nhập kinh tế, có trách nhiệm xã hội, hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm.
Các nước cũng cam kết xây dựng nền công vụ thực sự đổi mới, hiện đại, chuyên nghiệp, đáp ứng tốt hơn các thách thức mới, là động lực cho quản trị đất nước tốt và phát triển bền vững trong ASEAN và trong các nước thành viên ASEAN.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, ngày 8/8 tới, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ kỷ niệm 55 năm ngày thành lập (8/8/1967-8/8/2022). Trải qua 55 năm, ASEAN đã trở thành một tổ chức hợp tác khu vực mở, có độ liên kết sâu rộng hơn, vai trò trung tâm và vị thế quốc tế của ASEAN được nâng cao; một cộng đồng vận hành theo luật lệ, có sự tham gia rộng rãi của người dân, mang lại những lợi ích thiết thực hơn cho người dân. Thành quả này có phần góp sức không nhỏ của nền công vụ, của các nước +3, của bạn bè quốc tế.
Bà mong muốn các nước ASEAN+3 tiếp tục hợp tác, phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau nhiều hơn, cùng nhau thực hiện mục tiêu hiện đại hóa nền công vụ để thúc đẩy niềm tin của người dân với Chính phủ, cũng như thúc đẩy môi trường đầu tư, kinh doanh và hội nhập quốc tế.
Theo Bộ trưởng, để đạt mục tiêu đó, cơ quan công vụ các nước thành viên ASEAN luôn tin tưởng và đánh giá cao những nỗ lực và sự đóng góp cả về kinh nghiệm và kỹ thuật của ba nước đối tác, của Ban thư ký ASEAN. Sự hỗ trợ, chung tay của các bạn trên cả ba trụ cột cộng đồng chính trị-an ninh, cộng đồng kinh tế và cộng đồng văn hóa-xã hội ASEAN đã, đang và sẽ tiếp tục làm nên những thành quả tích cực của ASEAN, không chỉ mang lại lợi ích cho các quốc gia thành viên, các quốc gia đối tác, mà sự phát triển và hợp tác vững chắc của ASEAN cũng góp phần không nhỏ vào thành tựu chung của thế giới.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng khẳng định, là một thành viên tích cực và trách nhiệm của Cộng đồng ASEAN, Bộ Nội vụ Việt Nam sẵn sàng hợp tác cùng các quốc gia trong Cộng đồng ASEAN và các nước đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, cũng như các đối tác khác trong khu vực và trên thế giới nhằm chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm, kiến thức về cải cách nền công vụ, đạt mục tiêu hiện đại hóa nền hành chính, cùng hướng tới xây dựng Cộng đồng ASEAN gắn kết và thích ứng, hướng vào người dân, lấy người dân làm trung tâm và có trách nhiệm xã hội.
Lê Sơn