Thông tin tại tập huấn cho thấy, hàng năm sản xuất nông nghiệp nước ta thải ra môi trường khoảng 80 triệu tấn khí thải CO2 quy đổi, chiếm trên 30% tổng lượng khí nhà kính toàn quốc. Trong đó gần 70% phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp đến từ các hoạt động trồng trọt, 46% là từ hoạt động canh tác lúa nước.
Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Việt Nam phấn đấu đạt phát thải ròng bằng '0' vào năm 2050 và 2 cam kết khác có liên quan chặt chẽ đến ngành nông nghiệp: Cam kết tham gia sáng kiến "Giảm phát thải khí Methane toàn cầu"; cam kết thực hiện "Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất".
Còn tại Hội nghị thượng đỉnh về hệ thống thực phẩm của Liên Hợp Quốc, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững, đáp ứng yêu cầu an ninh lương thực và dinh dưỡng của khoảng 100 triệu dân Việt Nam và xuất khẩu.
Tháng 1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050". Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai xây dựng Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Bà Nguyễn Quỳnh Nga, Phó Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (SDfoB -VCCI) cho biết, những cam kết tại COP26 là những minh chứng cho thấy sự nhạy bén, tầm nhìn mang tầm thời đại của Lãnh đạo Đảng, Chính phủ, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao bởi các cam kết của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với xu thế chung của nhân loại để lựa chọn mô hình phát triển không gây tổn hại cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Để thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững và các cam kết quốc tế như đã đề cập phía trên, Việt Nam cần phải có những nỗ lực rất lớn, không chỉ từ phía Chính phủ, mà cả khối tư nhân gồm các doanh nghiệp, người sản xuất trực tiếp cùng tham gia thực hiện ở các quy mô khác nhau cùng phát triển một nền nông nghiệp xanh, carbon thấp và bền vững.
Theo ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc Đối ngoại và Truyền thông Nestlé Việt Nam, với vai trò là đồng chủ trì của Hội đồng Doanh nghiệp phát triển bền vững (VBCSD), đồng chủ trì của Đối tác Nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV), Nestlé Việt Nam mong muốn là doanh nghiệp đi tiên phong trong các hoạt động về phát triển bền vững, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp tái sinh, đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu chung về giảm phát thải của quốc gia.
Ông Khuất Quang Hưng cho biết, ngay từ năm 2019, Nestlé đã công bố Cam kết phát thải ròng bằng "0" – Net Zero - vào năm 2050 cùng với lộ trình cụ thể để đạt được mục tiêu này. Giải quyết những lượng khí thải từ nông nghiệp là một trong những lĩnh vực trọng tâm chính của Nestlé.
Một trong những điều quan trọng nhất mà Tập đoàn Nestlé đang làm đó là giới thiệu khái niệm nông nghiệp tái sinh - một sáng kiến có tiềm năng lớn giúp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, hỗ trợ cộng đồng và bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tại Việt Nam, nông nghiệp tái sinh được Nestlé Việt Nam lồng ghép và thực hiện trong khuôn khổ Chương trình NESCAFÉ Plan.
Mô hình nông nghiệp tái sinh toàn diện của Nestlé xác định rõ ba nguồn lực chính của bất kỳ hệ thống nông nghiệp nào. Đó là đất, nước và đa dạng sinh học. Đây chính là trọng tâm của các nỗ lực khôi phục toàn diện. Các hành động ưu tiên là sử dụng các hệ thống sản xuất đa dạng hơn, tích hợp chăn nuôi và hoạt động dựa trên tình hình thực tế, được hỗ trợ bởi các nguyên tắc nông học dựa trên cơ sở khoa học. Việc kết hợp chăn nuôi mang lại cơ hội cải thiện chu trình dinh dưỡng và tối ưu hóa lợi nhuận trên đất và sinh khối, đồng thời giảm thiểu tác động đến môi trường.
Quan trọng nhất trong mô hình này đó là nông dân phải là trung tâm của mô hình. Nông dân là những người quản lý các nguồn lực và đưa ra quyết định về các hoạt động phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của chính mình. Hợp tác với nông dân và các bên liên quan khác là chìa khóa cho một quá trình chuyển đổi công bằng.
Để tuyên truyền và định hướng ý nghĩa của chương trình này tới cộng đồng xã hội, trong quá trình này, không thể thiếu vai trò rất quan trọng của các cơ quan thông tấn báo chí. Đó là chuyển tải đến công chúng những thông tin cập nhật về các định hướng chiến lược, các chính sách của Chính phủ và các cơ quan quản lý liên quan đến việc triển khai các cam kết của COP26; chiến lược phát triển bền vững nông nghiệp Việt Nam giảm thiểu, thích ứng biến đổi khí hậu.
Các cơ quan truyền thông, báo chí không chỉ là cầu nối mà còn đóng vai trò chủ đạo, tích cực trong việc tuyên truyền, tích cực quảng bá những mô hình tốt trong sản xuất kinh doanh bền vững của ngành nông nghiệp và đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp thực hiện phát triển bền vững, góp phần xây dựng một tương lai xanh cho các thế hệ hiện nay và mai sau.
Minh Thi