Theo giải trình của lãnh đạo Vụ Hành chính tư pháp (Bộ Tư pháp) - đơn vị được giao chủ trì soạn thảo dự thảo Nghị định thay thế, việc cấp giấy xác nhận không cản trở việc kết hôn là cần thiết, nhằm hạn chế những bất cập lâu nay đang tồn tại cũng như góp phần làm lành mạnh hóa quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài. Ủng hộ việc cấp giấy xác nhận không cản trở việc kết hôn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) Lê Hồng Sơn lý giải, đây là dựng hàng rào bảo đảm an toàn chứ không phải là dựng hàng rào cản trở. “Có những thủ tục cần tinh giảm nhưng cũng có thủ tục cần dựng lên để thực tế tốt hơn, nhất là trong hôn nhân có yếu tố nước ngoài” - ông Sơn lưu ý.
Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế (Bộ Tư pháp) Hoàng Phước Hiệp cũng ủng hộ quan điểm của Vụ Hành chính tư pháp là nên có loại giấy này để giải quyết những bức xúc nảy sinh từ thực tế. Có điều, theo ông Hiệp cần tính toán lại một số quy định của dự thảo Nghị định. Chẳng hạn như không nên giới hạn chỉ cấp giấy cho công dân Việt Nam cư trú trong nước mà nên mở rộng hơn về đối tượng để trong trường hợp công dân Việt Nam ở nước ngoài muốn đăng ký kết hôn lại phải trở về nước để làm thủ tục thì sẽ rất rắc rối, mất thời gian.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số ý kiến phản đối loại giấy này. Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) Nguyễn Am Hiểu cho biết, nhiều nước trên thế giới chỉ cấp giấy xác nhận chưa kết hôn, giấy xác nhận ly hôn, chứ không có loại giấy nào khác. Việc cấp giấy xác nhận không cản trở việc kết hôn còn liên quan đến nhiều vấn đề khác như có bị bệnh thần kinh hay không, rồi việc tuyên đương sự bị bệnh phải do Tòa án chứ không phải do bác sỹ… “Nói là nâng cấp thủ tục nhưng dường như chúng ta đang đẻ thêm thủ tục” - ông Hiểu băn khoăn.
Đại diện Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) phân tích, ngay từ tên gọi của giấy đã rõ là “ai không cản trở”. Nếu hiểu là chính quyền thì không hợp lý trong khi nước ta hô hào hôn nhân “lành mạnh, tiến bộ”. Hơn nữa, việc cấp giấy này đúng là thêm thủ tục bởi cấp tỉnh phải đi xác nhận lại lời xác nhận của cấp xã và vô hình chung chính là vô hiệu hóa thẩm quyền của cấp xã.
Bà Nguyễn Thị Cúc Phương (Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ) lo ngại, nếu có thêm giấy xác nhận không cản trở việc kết hôn thì giấy xác nhận tình trạng hôn nhân lâu nay vẫn do UBND cấp xã cấp sẽ như thế nào. Nên chăng chỉ giới hạn trong trường hợp đăng ký kết hôn vắng mặt theo quy định của pháp luật một số nước là đề nghị của bà Phương.
Kết luận về nội dung trên, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đồng tình, Luật Hôn nhân và gia đình cấm hành vi cản trở hôn nhân tiến bộ mà bây giờ “đẻ” ra giấy xác nhận không cản trở việc kết hôn là vô lý và không phải ai cũng cần đến nó. Giấy này nếu có chỉ đưa thành một trong những điều kiện đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài. Như vậy, dự kiến tới đây, UBND cấp xã vẫn sẽ xác nhận tình trạng hôn nhân cho người dân, còn trong hôn nhân có yếu tố nước ngoài thì Sở Tư pháp sẽ kiểm tra lại (qua thủ tục phỏng vấn). Nhưng “trong trường hợp cần thiết có thể yêu cầu xác nhận kép” theo kiểu “chỗ nào bị bệnh mới cần uống thuốc” – Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh.
Cẩm Vân