Ông Đỗ Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, Ba Vì là huyện miền núi bán sơn địa nằm ở phía tây và cách Trung tâm thủ đô Hà Nội gần 60 km, với địa bàn rộng, địa hình đa dạng, phong phú, có núi, có sông, có đồng bằng châu thổ sông Hồng, là điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế và giao lưu thương mại, dịch vụ, du lịch.
Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội của Ba Vì đã được cải tạo, nâng cấp rất thuận lợi cho phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch; với nhiều khu du lịch nổi tiếng có môi trường xanh sạch, đẹp như: Ao Vua, Khoang Xanh, Thiên Sơn Suối Ngà, Tản Đà Resort, Trang trại Đồng Quê... và cụm di tích có kiến trúc độc đáo đã được xếp hạng di tích quốc gia như: Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng...
Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, ngay từ đầu năm, huyện Ba Vì đã xây dựng và triển khai chương trình công tác năm 2023 về việc thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trên cơ sở cụ thể hóa bằng các giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình và điều kiện của huyện.
Trong 9 tháng năm 2023, UBND huyện đã chủ động, tích triển khai thực hiện hoàn thành nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra. Tổng giá trị sản xuất 9 tháng năm 2023 ước đạt 83,5% kế hoạch năm; tăng 19,9% so cùng kỳ. Trong đó, nhóm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 18,3% so với cùng kỳ; nhóm ngành thương mại, dịch vụ, du lịch tăng 23,1% so cùng kỳ; công nghiệp, xây dựng tăng 17,7% so cùng kỳ.
Huyện Ba Vì hiện có 20 làng nghề với nhiều sản phẩm sử dụng từ nguồn nguyên liệu tại chỗ, 108 Hợp tác xã tổ chức sản xuất điều hành các hoạt động của các làng nghề, 180 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy cầm đang hoạt động, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị thương mại cao.
Đối với chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được Thành phố Hà Nội tổ chức triển khai từ quý III/2019 đến nay. Sau 5 năm thực hiện, toàn huyện có 138 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 đến 4 sao, trong đó có 66 sản phẩm đạt 3 sao, 72 sản phẩm đạt 4 sao. Các sản phẩm được công nhận chủ yếu là sữa tươi, sản phẩm chế biến từ sữa, gà đồi, thịt giò đà điểu, rau các loại, khoai lang, miến dong, các sản phẩm chế biến từ làng nghề thuốc nam...
Các sản phẩm sau khi được công nhận được hoàn thiện về bao bì, nhãn mác, tem, chất lượng sản phẩm được kiểm định theo định kỳ. Đồng thời tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm do Thành phố, huyện tổ chức góp phần nâng cao hiệu quả thu nhập của người dân.
Theo ông Nguyễn Văn Trường, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ba Vì, huyện có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp, trong đó có sản xuất nông sản an toàn. Đây là cơ sở để huyện phát triển sản phẩm OCOP.
Thời gian qua, Hội Nông dân Ba Vì đã tổ chức các lớp tập huấn cho các hộ nông dân các mô hình sản xuất nông sản an toàn, đồng thời xây dựng được hàng chục tổ, hội nghề nghiệp, xây dựng liên kết chuỗi và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm Gà đồi Ba Vì, Chè Ba Vì, Sữa Ba Vì, mật ong Ba Vì, thịt đà điểu Ba Vì…
Cùng với việc hỗ trợ phân hạng sản phẩm OCOP trên địa bàn, Hội Nông dân huyện Ba Vì cũng hỗ trợ bà con trong khâu quảng bá, xúc tiến thương mại và tiêu thụ qua các kênh trực tiếp và trực tuyến nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm của địa phương.
Anh Trương Đức Hoàng, chủ trang trại " Con bò vàng", xã Thụy An, huyện Ba Vì chia sẻ: Từ những mô hình nông sản an toàn, Hội Nông dân huyện cũng đã phối hợp với Phòng kinh tế để đăng ký xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương. Từ đó đăng ký tham gia sản phẩm OCOP và thúc đẩy quảng bá tiêu thụ sản phẩm tạo đầu ra ổn định, bền vững cho mặt hàng nông sản của Ba Vì.
Với mục tiêu xây dựng trang trại nông nghiệp sinh thái, trên diện tích hơn 3ha, anh Hoàng cũng đã đầu tư cải tạo phát triển chăn nuôi gà đồi, vịt trời, trồng ổi và các loại hoa quả theo hướng hữu cơ. Hiện nay, trang trại của anh Hoàng có trên 5.000 con gà đồi và hơn 1.000 con vịt trời chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, không sử dụng chất kháng sinh. Nguồn thức ăn tự phối trộn không chỉ giúp trang trại giảm chi phí, mà còn giúp tăng cường sức đề kháng cho đàn gia cầm, đảm bảo quy trình chăn nuôi an toàn cung ứng các sản phẩm nông sản sạch cho người tiêu dùng.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung, để thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP, năm 2023, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cho trên 30 sản phẩm đăng ký tham gia. Đồng thời huyện đề ra các mức thưởng các sản phẩm được công nhận OCOP theo các mức sao khác nhau để động viên, khích lệ đối với các chủ thể cũng như các sản phẩm.
Bên cạnh đó, UBND huyện phối hợp đơn vị tư vấn hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện hồ sơ đối với các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng, phấn đấu tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm trong quý IV/2023, phấn đấu có ít nhất 1-2 sản phẩm đạt 5 sao.
Kiểm tra các đơn vị, chủ thể sử dụng tem nhãn mác, vệ sinh an toàn thực phẩm để chấn chỉnh, duy trì chất lượng các sản phẩm OCOP được công nhận; đồng thời rà soát các sản phẩm OCOP đã hết hạn công nhận để tiếp tục tham gia đăng ký đánh giá, phân hạng.
Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, cơ sở tham gia chương trình OCOP liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, sản xuất gắn với phát triển thị trường, nâng cao giá trị gia tăng.
* Thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP. Hà Nội.
Thiện Tâm