In bài viết

Xây dựng quy tắc đạo đức và tiêu chuẩn cộng đồng tài sản số lành mạnh

(Chinhphu.vn) - Nếu như quy định pháp luật về tài sản số giúp bảo đảm sự tuân thủ, nghiêm minh và bảo vệ quyền lợi của tất cả các bên tham gia thì quy tắc đạo đức, tiêu chuẩn cộng đồng sẽ giúp củng cố niềm tin và thúc đẩy sự thực thi quy định pháp lý từ chính nội tại cộng đồng.

28/08/2024 20:25
Xây dựng quy tắc đạo đức và tiêu chuẩn cộng đồng tài sản số lành mạnh- Ảnh 1.

Hội thảo góp ý xây dựng khung pháp lý tài sản số với chủ đề "Vai trò của cộng đồng trong giám sát tuân thủ quy định pháp lý" - Ảnh: VGP/Nhật Anh

Thông tin trên được chia sẻ tại hội thảo góp ý xây dựng khung pháp lý tài sản số với chủ đề "Vai trò của cộng đồng trong giám sát tuân thủ quy định pháp lý" được Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng, chiều 28/8.

Theo ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam, quy tắc đạo đức và tiêu chuẩn cộng đồng ở lĩnh vực nào cũng quan trọng, nhưng đặc biệt quan trọng đối với các lĩnh vực đang ở vùng xám, chưa có hành lang pháp lý đầy đủ như tài sản số.

Đặc biệt, với các đặc tính như xuyên biên giới, hoạt động 24/7 và khả năng thanh khoản nhanh, tài sản số thường bị lợi dụng để thực hiện nhiều hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, rửa tiền, trốn thuế,.. thì những nguyên tắc mềm do chính cộng đồng xây dựng và phát triển như thế này lại càng có ý nghĩa.

Tại Việt Nam, báo cáo của Chainanalysis (một công ty phân tích blockchain của Mỹ có trụ sở tại Thành phố New York) chỉ ra dòng tiền mã hóa về Việt Nam đã đạt mức 120 tỷ USD/năm, tương đương gần 30% GDP với số lượng người dân sở hữu tài sản mã hóa đạt 17,4%, đứng thứ 7 thế giới. Trong khi đó, do thiếu cơ sở pháp lý để quản lý thị trường này nên thực tế cho thấy nhiều hệ lụy đang diễn ra như lừa đảo, trốn thuế/thất thu thuế, huy động vốn trái phép,.. khiến nhà đầu tư bị thiệt hại nghiêm trọng.

Theo ông Trung, sở dĩ các sàn giao dịch tiền mã hóa này từ chối hợp tác và hỗ trợ nạn nhân vì "chúng ta đang thiếu cả hành lang pháp lý lẫn quy tắc đạo đức và tiêu chuẩn cộng đồng. Tuy nhiên, trong khi một hành lang pháp lý hoàn chỉnh luôn có độ trễ nhất định so với thực tế cuộc sống do cần thời gian để hoàn thiện và ban hành thì các quy tắc đạo đức và tiêu chuẩn cộng đồng lại là những công cụ mạnh mẽ và nhanh chóng để giải quyết hiệu quả một phần những vấn đề hiện nay của thị trường tài sản số".

Theo Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP. Đà Nẵng, sự phức tạp của tài sản ảo đã đặt ra thách thức không nhỏ đối với hệ thống pháp luật của Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới, đòi hỏi phải cập nhật quan niệm mới về phân loại tài sản, về khái niệm quyền sở hữu cũng như những văn bản pháp lý về quản lý, kiểm soát đối với những hoạt động liên quan đến loại tài sản này.

Việc xây dựng các khung pháp lý đối với tài sản ảo đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền của nước ta phải nghiên cứu kỹ lưỡng, toàn diện các mặt kinh tế-xã hội, xem xét trên nhiều khía cạnh, góc độ khác nhau để đánh giá. Đồng thời cần tổ chức nhiều buổi hội thảo, hội nghị với sự tham gia của nhiều cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp và một số cá nhân am hiểu trong lĩnh vực để thảo luận, đưa ra ý kiến đóng góp phục vụ mục đích chung là xây dựng thành công khung pháp lý đối với tài sản ảo.

Cũng tại sự kiện, ông Võ Đức Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng, Sở Khoa học và Công nghệ TP. Đà Nẵng đã chia sẻ về Nghị quyết 136/2024/QH15 do Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 26/6/2024 về việc tổ chức chính quyền đô thị, thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng nhằm ưu tiên thu hút nhà đầu tư, thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Trong đó có quy định về việc giao quyền và trách nhiệm cho TP. Đà Nẵng về việc thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới (sandbox) kèm theo nhiều ưu đãi và hỗ trợ đặc biệt về quy chế miễn hoặc ưu đãi thuê đất, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân,.. dành cho các doanh nghiệp đạt điều kiện. Đây được đánh giá là một cơ hội tuyệt vời dành cho các doanh nghiệp công nghệ mới như tài sản số, tài sản thực có thể thử nghiệm các công nghệ mới và đánh giá tác động trước khi đưa vào thực tế.

Ngoài ra, hội thảo cũng ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà quản lý tập trung vào các chủ đề như vai trò của cộng đồng và tiêu chuẩn đạo đức trong thị trường tài sản số; vai trò của cộng đồng trong giám sát tuân thủ quy định pháp lý.., qua đó góp phần xây dựng khung pháp lý quản lý tài sản ảo, phù hợp với tình hình thực tiễn Việt Nam và thông lệ toàn cầu.

Nhật Anh