Phòng tư vấn tâm lí dành cho học sinh trường THPT Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: VGP/Nhật Nam |
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục trong năm học 2019-2020 là đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. Để làm tốt điều đó, cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử để tạo ra môi trường văn hóa học đường tốt đẹp.
Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) Bùi Văn Linh cho biết, Bộ GD&ĐT đã ban hành 2 văn bản quan trọng là Thông tư 31 hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông và Thông tư 33 hướng dẫn công tác xã hội trong trường học.
Trong thông tư 31 đã quy định nhà trường có Tổ tư vấn, hỗ trợ học sinh và bố trí cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm để thực hiện công tác tư vấn tâm lí cho học sinh. Thành phần Tổ tư vấn, hỗ trợ học sinh gồm đại diện lãnh đạo nhà trường cùng các cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý, nhân viên y tế trường học, cán bộ, giáo viên phụ trách công tác Đoàn, Đội, đại diện cha mẹ học sinh và một số học sinh là cán bộ lớp, cán bộ Đoàn, Đội.
Mục đích của tổ tư vấn tâm lí là phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp khi cần thiết đối với học sinh đang gặp khó khăn về tâm lí trong học tập và cuộc sống để tìm hướng giải quyết, giảm thiểu các tác động tiêu cực có thể xảy ra. Tiếp theo là hỗ trợ học sinh rèn luyện kĩ năng sống, tăng cường ý chí, niềm tin, bản lĩnh, thái độ ứng xử phù hợp trong các mối quan hệ xã hội, rèn luyện sức khỏe thể chất tinh thần, xây dựng và hoàn thiện nhân cách.
Khi thông tư được ban hành, Bộ GD&ĐT đã giao cho các đơn vị chức năng để xây dựng chương trình bồi dưỡng cho giáo viên tư vấn tâm lí; giao nhiệm vụ cho 20 cơ sở giáo dục đại học có chuyên ngành về tâm lí giáo dục bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên tại các tỉnh cấp chứng chỉ theo đúng quy định của Bộ.
Bộ GD&ĐT cũng đã phối hợp với các nhà xuất bản để biên soạn, thẩm định các bộ sách thực hành tâm lí từ lớp 1 đến lớp 9.
Đến tháng 8/2019 đã có 33/63 tỉnh đã tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên tư vấn tâm lí và cấp chứng chỉ. Ngoài việc bồi dưỡng để cấp chứng chỉ, Bộ phối hợp với các tổ chức quốc tế bồi dưỡng thường xuyên nâng cao nghiệp vụ cho các thầy cô tham gia công tác tư vấn tâm lí.
Theo ông Bùi Văn Linh đánh giá, Thông tư 31 đi vào cuộc sống nhanh, đảm bảo nội dung ở tất cả các nội dung, từ tổ chức bộ máy, chế độ chính sách, xây dựng tài liệu, sự tham gia của các trường trong việc xây dựng tài liệu, bồi dưỡng tập huấn cho các thầy cô giáo. Ngoài ra còn kể đến sự tham gia của các tổ chức quốc tế cung cấp các kinh nghiệm để làm hiệu quả hơn công tác tư vấn tâm lí trong nhà trường.
Cùng với Thông tư 31, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 16 hướng dẫn khung vị trí việc làm, trong đó quy định Tư vấn tâm lí là nhiệm vụ kiêm nhiệm của giáo viên, quy định thời lượng, định mức giờ của tổ tư vấn tâm lí.
Theo đó, mỗi giờ tư vấn sẽ được quy đổi thành từ 3 đến 8 tiết dạy để tính cho các thầy cô tham gia, phụ thuộc vào quy mô của trường, vùng miền. “Có thể nói đây là bước đi dài trong việc chuyên nghiệp hóa công tác tư vấn tâm lí”, ông Linh nhận định.
Theo phân tích nghiên cứu của các tổ chức tư vấn tâm lí học đường quốc tế, về mặt khoa học, việc tổ chức hoạt động tư vấn có 3 chức năng: Hỗ trợ, phòng ngừa và can thiệp.
Việc thành lập tổ tư vấn tâm lí ở trong nhà trường ở tất cả các tỉnh đã nhận được sự quan tâm rất lớn của các sở, phòng GD&ĐT đã chỉ đạo. Ông Bùi Văn Linh cho biết, theo thống kê, hiện nay cơ bản các trường đã thành lập được tổ tư vấn tâm lí. Tuy nhiên, việc triển khai thành lập các tổ tư vấn tâm lí cũng gặp nhiều khó khăn, trong đó có điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn.
Bộ GD&ĐT đã mở ra hai hướng để khắc phục, đó là có phòng tư vấn riêng hoặc không gian tư vấn riêng, bố trí lịch để tiếp đón vào đầy đủ các giờ trong ngày.
Việc thành lập tổ tư vấn tâm lí sẽ trang bị tốt kĩ năng sống cho học sinh, kịp thời nắm bắt những khó khăn của học sinh, giúp cho các nhà trường sẽ kịp thời xử lí. Những mâu thuẫn của học sinh được giải quyết kịp thời sẽ giúp giảm thiểu việc xảy ra bạo lực học đường. Ông Linh khẳng định đây là hướng đi mạnh mẽ của Bộ GD&ĐT nhằm góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng chống bạo lực học đường.
Ông Bùi Văn Linh cũng cho biết, trong năm học này, ngành giáo dục sẽ thực hiện các giải pháp để xây dựng văn hóa học đường và quy định về ứng xử văn hóa trong các trường học.
Về phía Bộ GD&ĐT, ông Linh cho biết đang tích cực triển khai đưa vào thực tiễn các quyết định về văn hóa ứng xử. Trên cơ sở đó, các nhà trường sẽ thể hiện tốt vai trò quản lý nhà nước của mình, cập nhật tất cả các văn bản chỉ đạo của cấp trên, ban hành, triển khai trong tất cả các thầy cô giáo, học sinh. Nếu làm tốt, thì đây sẽ là mắt xích quan trọng để tất cả các chủ trương sẽ được phổ biến, quán triệt đến cán bộ giáo viên và học sinh trong các cơ sở giáo dục để thực hiện.
Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của Ban giám hiệu, cán bộ quản lý, giáo viên, cán bộ trong các cơ sở giáo dục. Đây là nội dung quan trọng trong tổ chức các hoạt động văn hóa ứng xử hiệu quả trong nhà trường. Giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm cũng cần có trách nhiệm cao trong việc giúp nhà trường nắm bắt tâm lí học sinh từ đó phối hợp với gia đình, nhà trường để quản lý và định hướng hoạt động của các em.
Nhật Nam