In bài viết

Xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện, giàu lòng yêu nước

(Chinhphu.vn) - Việt Nam đã và đang có nhiều chủ trương, chính sách hướng tới mục tiêu xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện, giàu lòng yêu nước, có ý chí tự cường, tự hào dân tộc.

29/11/2022 16:46
Xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện - Ảnh 1.

Diễn đàn quốc tế với chủ đề "Chính sách phát triển thanh niên - Kinh nghiệm của các nước" - Ảnh: VGP/Nhật Nam

Ngày 29/11, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia (UBQG) về thanh niên Việt Nam tổ chức Diễn đàn quốc tế với chủ đề "Chính sách phát triển thanh niên - Kinh nghiệm của các nước" theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Tham dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể; đại diện Đại sứ quán các nước ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo các cấp vụ thuộc cơ quan, bộ phụ trách công tác thanh niên các nước ASEAN và Trung Quốc; các chuyên gia, tổ chức quốc tế tại Việt Nam, đại diện lãnh đạo các ban, đơn vị Trung ương Đoàn, các tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc.

Phát triển thanh niên là vấn đề lớn của mỗi quốc gia

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bí thư Trung ương Đoàn, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam Nguyễn Tường Lâm cho biết: Phát triển thanh niên là vấn đề lớn của mỗi quốc gia, dân tộc. 

Tại hầu hết các quốc gia, ở các mức độ khác nhau, Nhà nước đều có các chủ trương, chính sách đối với thanh niên để bồi dưỡng, đào tạo và phát huy sự tham gia của thanh niên vào tiến trình phát triển của xã hội. Để tăng cường đầu tư cho sự phát triển của thanh niên, nhiều nước trên thế giới đã ban hành Luật Thanh niên, chiến lược, chính sách phát triển thanh niên.

Đối với riêng Việt Nam, thanh niên hiện nay được xác định trong độ tuổi từ 16-30 tuổi, chiếm 22,5% dân số, là lực lượng xã hội to lớn, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Thanh niên được khẳng định là lớp người làm chủ tương lai của đất nước; được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nguồn lực con người; chăm lo, phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước.

Theo Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Tường Lâm, Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách hướng tới mục tiêu xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện, giàu lòng yêu nước, có ý chí tự cường, tự hào dân tộc. 

Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước và hội nhập quốc tế. Phát huy tinh thần cống hiến, xung kích, tình nguyện và nâng cao trách nhiệm của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tháo gỡ khó khăn thanh niên, đãi ngộ, trọng dụng nhân tài

Tại diễn đàn, các đại biểu đã tập trung trao đổi về các nội dung chính như: Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và thực thi chính sách phát triển thanh niên của các nước trên các lĩnh vực: Học tập, nghiên cứu khoa học; lao động, việc làm; khởi nghiệp; bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe; văn hóa, thể dục, thể thao; chuyển đổi số; chính sách dành cho các đối tượng thanh niên (thanh niên tình nguyện, thanh niên có tài năng, thanh niên khuyết tật, thanh niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi).

Đồng thời, các đại biểu cũng thảo luận về các chính sách đảm bảo nguồn lực thực hiện chính sách phát triển thanh niên; đánh giá tình hình, dự báo về những tác động, ảnh hướng đến việc thực hiện chính sách phát triển thanh niên của các nước; đề xuất cơ chế phối hợp trong xây dựng và thực thi chính sách phát triển thanh niên; tăng cường hợp tác thanh niên ASEAN và Trung Quốc.

Bà Nguyễn Thị Quyên, Phó Cục trưởng Cục việc làm (Bộ LĐTB&XH) đã chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng, thực hiện chính sách lao động, việc làm cho thanh niên. Theo đó, cần thống nhất trong nhận thức, hành động về chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội, góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, trong đó thanh niên là nhân tố giữ vai trò trụ cột trong phát triển kinh tế-xã hội. 

Việc tham mưu, ban hành các chính sách nhằm hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên cần có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của đất nước, tập trung vào nguồn lực của địa phương kết hợp với nguồn hỗ trợ từ Trung ương và các nguồn huy động khác.

Theo bà Quyên, để đẩy mạnh giải quyết việc làm cho lao động nói chung, thanh niên, nhất là sinh viên, thanh niên nông thôn, ngoài sự năng động, chủ động của bản thân thanh niên, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ định hướng nghề nghiệp, nâng cao chất lượng đào tạo đến thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, khuyến khích thành lập doanh nghiệp, tạo mở nhiều cơ hội việc làm.

Bên cạnh đó, cần hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm; nâng cao hiệu quả tư vấn, giới thiệu việc làm của hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm; chủ động, tích cực phân luồng học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp phổ thông tham gia học nghề và hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp.

Nhật Nam