In bài viết

Xây dựng thương hiệu Global Gap cho gạo Việt

(Chinhphu.vn)- Sản xuất gạo xuất khẩu theo tiêu chuẩn Global Gap, không chỉ để đáp ứng yêu cầu của các nhà nhập khẩu và phân phối ở siêu thị nước ngoài, mà còn là một cách làm thương hiệu, giúp chất lượng hạt gạo cao và ổn định.

21/05/2012 07:48

Đây là khẳng định của  bà Lưu Thị Lan, Phó Giám đốc Công ty Gentraco Cần Thơ khi quảng bá cho sản phẩm gạo chất lượng cao và thân thiện với môi trường sản xuất theo tiêu chuẩn Global Gap (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) mà Công ty đang theo đuổi.

Mô hình cánh đồng Global Gap với giống lúa thơm đặc sản ST13 của tỉnh Sóc Trăng mà bà Lan giới thiệu sẽ được nhân rộng, từ 21 héc ta năm 2009 lên 150 héc ta trong năm 2012, hướng đến 800 héc ta trong năm 2015. Sản phẩm gạo thơm xuất khẩu tuy mới chỉ chiếm khoảng 10% tổng sản lượng xuất khẩu của Gentraco, tương đương 30.000 tấn nhưng theo bà Lan, tỷ trọng sẽ nhanh chóng thay đổi trong tương lai.

Công ty Gentraco cùng 4 công ty khác vừa qua đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng trao quyền sử dụng nhãn hiệu "Gạo thơm Sóc Trăng" thời hạn 3 năm. Điều này được xem như là tiền đề để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, tiến xa hơn trên con đường xây dựng và phát triển lúa gạo chất lượng cao.
Trong vụ đông xuân vừa qua, TS Võ Tòng Xuân cùng Công ty cổ phần Đầu tư - Nghiên cứu và Xuất khẩu gạo thơm ITA – Rice liên kết với 60 hộ nông dân tiến hành thử nghiệm mô hình trồng lúa theo chuẩn GlobalGAP trên diện tích 60,3ha tại xã Mỹ Thạnh Đông (huyện Đức Huệ, Long An).

Kết quả, năng suất lúa tăng từ hơn 6 tấn/ha lên hơn 8 tấn/ha. Giá lúa do Công ty bao tiêu cũng cao hơn 1.500 đồng/kg so với giá thị trường, ở mức 5.500 đồng/kg lúa tươi. TS Xuân cho biết sẽ mở rộng mô hình lên 80ha trong vụ hè thu này.

Đầu tháng 4 vừa qua, Trung tâm Chứng nhận Quacert đã cấp giấy chứng nhận 60,3 ha lúa trong số này tại huyện Đức Huệ đạt yêu cầu về sản xuất theo hệ thống thực hành nông nghiệp tốt Global GAP.. Với mục tiêu sản xuất ra lúa sạch, ITA-RICE và nhiều công ty khác đang có tham vọng mở rộng diện tích trồng lúa theo quy trình Global GAP tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để hướng tới xuất khẩu gạo có thương hiệu.

Ngoài ITA-RICE còn có một số công ty cũng đang liên kết với nông dân sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn theo chuỗi như công ty TNHH ADC Cần Thơ, công ty cổ phần thuốc bảo vệ thực vật An Giang…

Với mô hình mà ITA-RICE đang áp dụng, nông dân ở một khu vực sẽ tập hợp lại ký hợp đồng với công ty và được cấp cùng một loại giống, thuốc trừ sâu, phân bón và được hướng dẫn sản xuất cùng một quy trình. Cuối vụ bán lại sản phẩm với giá cam kết cao hơn thị trường 10 – 15%. Cách làm này giúp nông dân giảm bớt khâu trung gian khi tiếp cận vật tư nông nghiệp hoặc bán sản phẩm, không bị áp lực bán lúa ngay đầu vụ trả nợ… Nhưng cái được lớn nhất ở đây là Công ty tham gia quản lý chất lượng lúa ngay từ đầu và dễ dàng truy xuất nguồn gốc và xây dựng thương hiệu.

Công Trí