Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa dự chỉ đạo và chủ trì hội nghị. Cùng chủ trì hội nghị có Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm, Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo Đề án và Giám đốc-Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật Vũ Trọng Lâm, Phó Chủ tịch Hội đồng.
Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; thành viên Hội đồng chỉ đạo Đề án, Ban Tổ chức thực hiện Đề án; đại diện lãnh đạo ban tuyên giáo một số tỉnh, thành ủy; đại diện lãnh đạo các đơn vị tham gia xuất bản sách của Đề án. Tham gia các điểm cầu trực tuyến có đại diện thường trực tỉnh, thành ủy; lãnh đạo ban tuyên giáo một số tỉnh, thành ủy; đại diện lãnh đạo sở văn hóa, thể thao, sở văn hóa, thể thao và du lịch, sở thông tin và truyền thông; đại diện thường trực cấp huyện, ban tuyên giáo cấp huyện; đại diện lãnh đạo một số xã, phường, thị trấn tiêu biểu trong triển khai Đề án.
Được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 2009, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật (đơn vị Thường trực Đề án) triển khai thực hiện thí điểm Đề án tại 16 tỉnh, thành phố. Mục tiêu của Đề án nhằm nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn trong sạch, vững mạnh, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Trên cơ sở đánh giá việc thực hiện thí điểm Đề án, ngày 23/11/2010, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Thông báo kết luận số 396-TB/TW, chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án cho tất cả các cơ sở xã, phường, thị trấn của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận và thống nhất: Qua 15 năm triển khai, Đề án thực sự phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở; nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể, cũng như của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân, trở thành một trong những Đề án có ý nghĩa thiết thực đối với việc đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cấp xã, phường, thị trấn.
Trong điều kiện nguồn kinh phí của các xã, phường, thị trấn dành cho việc mua sách còn khó khăn, đặc biệt đối với các xã ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc triển khai trang bị sách của Đề án đã góp phần giúp cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân ở cơ sở có thêm nguồn tài liệu chính thống, tin cậy để nghiên cứu, học tập, ứng dụng trong thực tiễn.
Đến nay, Đề án đã trang bị cho cơ sở xã, phường, thị trấn ở 63 tỉnh, thành phố trên cả nước 593 đầu sách (cả đĩa CD-ROM và CD Audio), với tổng số 14.408.340 bản in. Để tăng cường hiệu quả của Đề án, trang Thư viện sách điện tử (Thuviencoso.vn) đã được xây dựng từ đầu năm 2020 và cung cấp bản số hóa hơn 500 đầu sách của Đề án, phục vụ việc đọc và tra cứu trực tuyến của cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở.
Công tác lựa chọn đề tài, tổ chức biên soạn, biên tập sách được thực hiện kỹ lưỡng, phù hợp với nhu cầu của cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở. Các đề tài sách phong phú, thiết thực, tập trung vào những mảng sách: Sách tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh và tư tưởng Hồ Chí Minh; sách phục vụ công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đoàn thể ở cơ sở; sách đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; sách bảo vệ chủ quyền biên giới, hải đảo; sách về kỹ năng lãnh đạo, điều hành cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ cấp xã; sách phổ biến kỹ thuật nông, lâm, ngư nghiệp, kiến thức chăm sóc sức khỏe, phòng và chữa bệnh…; kinh nghiệm làm giàu, những tấm gương nông dân điển hình trong sản xuất, kinh doanh giỏi…
Các ấn phẩm được biên soạn ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ vận dụng; được thiết kế đẹp, trang nhã, phù hợp với yêu cầu, năng lực của đối tượng độc giả. Công tác tiếp nhận, quản lý sách của Đề án được thực hiện khoa học, phù hợp yêu cầu thực tiễn và điều kiện của từng địa phương, bảo đảm việc khai thác và sử dụng sách dễ dàng, khoa học và hiệu quả. Một số địa phương đã thể hiện sự sáng tạo trong quản lý, sử dụng sách của Đề án, như tại một số xã của huyện Đồng Văn, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang; huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc; huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum; huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp… Tình hình nghiên cứu, học tập sách thuộc Đề án đạt được nhiều kết quả tích cực.
Đa số cán bộ, đảng viên và người dân tích cực, chủ động khai thác thông tin, tra cứu dữ liệu, tìm hiểu kiến thức dưới nhiều hình thức khác nhau. Qua đó, góp phần giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực; vững vàng về tư tưởng chính trị; có phẩm chất đạo đức, lối sống tốt; nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bổ sung thêm kiến thức, kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, trong quản lý, trong lao động, sản xuất.
Công tác thông tin, tuyên truyền Đề án được triển khai đồng bộ, rộng khắp với nhiều hình thức, qua tổ chức hội nghị quán triệt, qua khảo sát, đánh giá, trên các phương tiện truyền thông, từ đó để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ về mục đích, yêu cầu, ý nghĩa của Đề án, về trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong chỉ đạo thực hiện Đề án. Một số tỉnh, thành phố đã tổ chức ngày hội đọc sách, hội thi kể chuyện về bài viết hay, câu chuyện hay trong sách để vận dụng vào lao động, sản xuất, xây dựng nông thôn mới, góp phần lan tỏa rộng rãi và phát triển văn hóa đọc.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai, tổ chức thực hiện Đề án còn một số khó khăn, hạn chế, như: Nội dung và hình thức sách chưa đa dạng, phong phú, có đầu sách không phù hợp với đối tượng cán bộ và nhân dân ở cơ sở. Sức lan tỏa của Đề án chưa thật sự cao, chưa xây dựng được nhiều phương thức tuyên truyền hiệu quả về mục đích, ý nghĩa, vai trò và những kết quả nổi bật của Đề án, do vậy, chưa thúc đẩy sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các sở, ban, ngành khác trên toàn quốc.
Ở một số nơi, một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm đến công tác quản lý, sử dụng sách của Đề án, chưa có phòng đọc riêng, thiếu trang thiết bị phục vụ người đọc, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thực hiện Đề án…
Để tiếp tục triển khai một cách thiết thực, hiệu quả Đề án, nhiều đại biểu đã đề xuất các nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục nâng cao chất lượng nội dung và hình thức sách của Đề án, tăng cường xuất bản sách điện tử và phổ biến nội dung sách trên mạng xã hội và các nền tảng số. Chú trọng tăng cường xuất bản thêm nhiều đầu sách nói, sách hình ảnh, sách đa phương tiện, sách bằng nhiều thứ tiếng phục vụ đồng bào các dân tộc thiểu số. Thường xuyên khảo sát, kiểm tra, đánh giá thực trạng triển khai Đề án tại các tỉnh, thành phố để có những đề xuất, kiến nghị kịp thời, sát thực tiễn.
Đề nghị cấp ủy đảng, chính quyền phối hợp chặt chẽ với các cơ quan triển khai Đề án; quan tâm đầu tư xây dựng, sửa chữa các nhà văn hóa, thư viện, tủ sách, bố trí phòng đọc riêng ở xã, phường, thị trấn. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giới thiệu về mục đích, ý nghĩa của Đề án và nội dung sách của Đề án…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của Ban Tuyên giáo Trung ương, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy, các nhà xuất bản và cơ sở in, phát hành cả nước trong tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Đề án, cũng như việc xây dựng kế hoạch, tiến hành tổng kết 15 năm thực hiện Đề án và tổ chức hội nghị hôm nay.
Trên cơ sở kết quả tổng kết hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, các cấp ủy đảng, chính quyền cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về ý nghĩa, mục đích, yêu cầu và tầm quan trọng của Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn; về trách nhiệm trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương, đơn vị trong nghiên cứu, học tập sách, xây dựng và phát triển "văn hóa đọc" cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Hai là, chú trọng việc nắm bắt nhu cầu của cán bộ, đảng viên và nhân dân ở khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo, đồng bào dân tộc thiểu số,.. từ đó xác định mục tiêu, kế hoạch xuất bản phù hợp về đề tài, số lượng sách cần trang bị cho cơ sở xã, phường, thị trấn. Tiếp tục đổi mới công tác lựa chọn đề tài, biên soạn nội dung sách, trong đó tập trung vào các đề tài sách phục vụ quán triệt, triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các hội nghị Trung ương; sách bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; sách nhằm nâng cao kỹ năng quản lý, điều hành trong công tác đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể ở cơ sở trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; sách ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, kiến thức về văn hóa, phong tục tập quán, di sản văn hóa các vùng, miền, xây dựng nông thôn mới và các đề tài sách song ngữ dành cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Ba là, bố trí nguồn kinh phí đầu tư xây dựng, phòng đọc sách, trang thiết bị phục vụ cho việc quản lý, bảo quản, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn đến đọc sách, tra cứu tìm hiểu kiến thức. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ quản lý sách của Đề án ở cơ sở xã, phường, thị trấn. Phát hiện những mô hình tốt, sáng tạo, những cá nhân có thành tích tiêu biểu trong công tác tổ chức thực hiện để biểu dương, khen thưởng, phổ biến rộng rãi. Đồng thời, kịp thời phản ánh những ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện. Các cấp ủy đảng, chính quyền cần tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, đơn vị thực hiện tốt việc tiếp nhận, quản lý, nghiên cứu, học tập sách của Đề án.
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn bằng nhiều hình thức, như: Tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, truyền hình, cổng thông tin điện tử, trang Thư viện điện tử của Đề án, trang thông tin điện tử, bản tin nội bộ của tỉnh, huyện; thông qua hội nghị báo cáo viên, giao ban báo chí, qua các cuộc họp chi bộ, đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội; lồng ghép vào trong chương trình học tập, quán triệt các văn bản của Trung ương, của tỉnh, gắn với việc thực hiện Chỉ thị 44-CT/TW, ngày 16/4/2020 của Ban Bí thư về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị;… để cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn được biết, tìm đọc, sử dụng hiệu quả sách của Đề án.
Năm là, căn cứ tình hình thực tiễn và nhu cầu của cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở, triển khai xuất bản sách theo hướng đa dạng hóa các loại hình ấn phẩm của Đề án, đẩy mạnh số hóa, xuất bản và phát hành sách điện tử trên mạng internet để tạo điều kiện thuận lợi trong việc khai thác, tra cứu, tìm hiểu của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, lịch sử kịp thời; đáp ứng yêu cầu số hóa trong bối cảnh mới.
Diệp Anh