Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng, nắm bắt những vấn đề khó khăn, vướng mắc của các đảng ủy trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp; đồng thời trao đổi kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp thực hiện trong thời gian tới nhằm góp phần làm rõ thêm những quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về nhiệm vụ xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp. Đặc biệt, hội thảo được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 80 năm "Đề cương về văn hóa Việt Nam", ra đời vào tháng 2/1943, cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta về văn hóa, xác lập văn hóa là một trong ba mặt trận (chính trị, kinh tế, văn hóa).
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung làm rõ quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về nhiệm vụ xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp. Đánh giá thực trạng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, Nhà nước về xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp; kết quả thực hiện; những vấn đề đặt ra; những mô hình, cách làm hay về lãnh đạo, triển khai văn hóa doanh nghiệp. Đồng thời đưa ra các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về lãnh đạo nhiệm vụ xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp tại các doanh nghiệp, ngân hàng, đơn vị thuộc Khối trong thời gian tới.
Chia sẻ về quá trình xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp trong toàn Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, ông Trần Quang Dũng, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp Petrovietnam cho biết, việc triển khai xây dựng văn hóa Petrovietnam trong suốt thời gian qua đã nhận được sự chỉ đạo xuyên suốt từ Đảng ủy tập đoàn, Hội đồng thành viên đến Ban lãnh đạo và các đoàn thể chính trị xã hội tạo sự thống nhất, đồng thuận trong ý chí và hành động từ tập đoàn đến các đơn vị thành viên. Trong đó, phải luôn coi trọng vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng và người đứng đầu trong việc triển khai xây dựng văn hóa doanh nghiệp, xem đây là yếu tố quyết định để việc triển khai và thực hiện đạt kết quả thực chất.
Nhấn mạnh về tác động của hội nhập quốc tế tới việc xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp hiện nay, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, văn hóa Vinatex được xây dựng trên nền tảng đặc điểm của doanh nghiệp thâm dụng lao động, trình độ lao động ở mức trung bình, tính chất cạnh tranh khốc liệt với các doanh nghiệp trên toàn thế giới, các đơn vị nằm ở các địa bàn khác nhau về cả điều kiện kinh tế văn hóa, tôn giáo sắc tộc. Do đó, Vinatex lựa chọn 6 trụ cột chính để xây dựng văn hóa của mình gắn với điều kiện sản xuất kinh doanh, đó là hiểu việc mình làm, giỏi việc mình làm, yêu việc mình làm, tự hào vì thành quả tập thể, không đổ lỗi và học tập, cải tiến liên tục. Các trụ cột này phù hợp với tất cả các đơn vị thành viên sản xuất trong chuỗi cung ứng dệt may, đồng thời mỗi thành viên sẽ bổ sung các khía cạnh văn hóa của riêng doanh nghiệp mình
Tại hội thảo, các đại biểu cũng thống nhất cao với những nội dung trong 2 dự thảo. Trong đó, dự thảo Nghị quyết về "Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng về xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp trong Khối DNTW" đã xác định được những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng mang tính đặc trưng, thể hiện vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong các doanh nghiệp thuộc Đảng bộ Khối. Đặc biệt, các tham luận cũng đề xuất các ý kiến nhằm tăng cường vai trò của các cấp ủy đảng trong xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp.
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, ông Trần Thanh Lâm - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận và đánh giá cao việc xây dựng Nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ Khối DN Trung ương về "Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng về xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp trong Khối DN trung ương" là thực sự cấp thiết, có lý luận và thực tiễn.
Đề án đã cho thấy rõ bức tranh toàn cảnh về Đảng bộ Khối DN Trung ương, có những đánh giá tương đối sát về những ưu điểm, khuyết điểm và các nguyên nhân của những ưu điểm, khuyết điểm trong xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp, văn hóa công sở trong Đảng bộ Khối thời gian qua.
Ông Trần Thanh Lâm nhấn mạnh, Đề án cần làm rõ hơn vai trò của văn hóa doanh nghiệp công sở. Trong đó, cốt lõi của văn hóa công sở là đạo đức công vụ, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, người lao động có phẩm chất đạo đức tận tụy, có ý thức trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; xây dựng đoàn kết nội bộ trong từng cơ quan, đơn vị.
Trong hệ thống các giải pháp về xây dựng văn hóa doanh nghiệp, cần đặc biệt coi trong đạo đức kinh doanh gắn với kỷ luật, kỷ cương trong từng doanh nghiệp; chú trọng công tác xây dựng Đảng và đạo đức, đề cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu trong xây dựng và tổ chức thực hiện văn hóa doanh nghiệp, Đặc biệt, trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, vai trò của văn hóa doanh nghiệp ngày càng quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Theo ông Lâm, một doanh nghiệp muốn tìm vị thế trong thương trường và niềm tin yêu, sự mến phục trong lòng khách hàng, cũng như đội ngũ cán bộ, nhân viên thì việc xây dựng, duy trì và phát triển nền văn hóa doanh nghiệp vững mạnh là một yếu tố cốt lõi dẫn đến thành công của doanh nghiệp
Từ những kinh nghiệm, thông tin thu thập được tại hội thảo, Phó Bí thư Đảng ủy Khối DN Trung ương Lê Văn Châu đề nghị, các cấp ủy, tổ chức đảng trong Khối cần bám sát đặc điểm, yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ từng doanh nghiệp, ngân hàng, đơn vị để thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp trong thời gian tới
Trong đó, gắn xây dựng văn hóa doanh nghiệp với công tác xây dựng Đảng, nhất là với việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đẩy mạnh xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý, văn hóa trong Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Chú trọng xây dựng môi trường làm việc văn minh, chuyên nghiệp, hiện đại. Nghiên cứu, ban hành, bổ sung, hoàn thiện quy chế văn hóa công sở, quy tắc văn hóa doanh nghiệp; sửa đổi các quyết định, nội quy, quy chế làm việc của doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp gắn chặt với chuyển đổi số; quan tâm xây dựng và giữ gìn uy tín thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm; chú trọng công tác bảo vệ môi trường, nâng cao trách nhiệm xã hội, vì lợi ích cộng đồng.
Bên cạnh đó, chú trọng tổ chức các phong trào thi đua lao động, sản xuất; thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc. Quan tâm, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật đáp ứng yêu cầu hoạt động văn hóa, thể thao trong doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, tạo sự gắn bó với doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị.
Linh Đan