Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết: Tháng 10 vừa qua, vào dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã vui mừng đón nhận món quà đặc biệt từ Tổng Bí thư và Bộ Chính trị, đó là Nghị quyết số 41 về xây dựng và phát huy đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Nghị quyết 41 với điểm mới then chốt là xác định vai trò quan trọng của đội ngũ doanh nhân là một lực lượng nòng cốt trong thực hiện CNH-HĐH, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, cùng với đó Nghị quyết đặt ra các định hướng và giải pháp để phát triển, phát huy đội ngũ doanh nhân VN, đặc biệt trong đó có yêu cầu phát triển đội ngũ "Doanh nhân dân tộc", một nội dung rất quan trọng để đảm bảo xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ của nước ta.
Từ Nghị quyết 41 có thể thấy việc phát triển các doanh nghiệp (DN) gia đình là rất quan trọng, vì đây chính là nguồn chính để hình thành đội ngũ DN dân tộc lớn mạnh. Nghị quyết cũng đã đề ra mục tiêu phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có đạo đức, văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc, có trách nhiệm xã hội. Lấy đạo đức, văn hoá kinh doanh làm cốt lõi để xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam, xây dựng đạo đức, văn hoá kinh doanh cũng là một yêu cầu tất yếu để phát triển DN bền vững.
Các DN gia đình luôn nổi trội ở mức độ tín nhiệm, luôn đề cao việc duy trì chữ tín, niềm tin với khách hàng và đối tác, đồng thời luôn có động lực mạnh mẽ để phát triển bền vững, trường tồn qua nhiều thế hệ. Do đó, việc xây dựng đạo đức, văn hoá kinh doanh đối với DN gia đình là yêu cầu tự thân. Các DN gia đình nên và cần đi tiên phong trong xây dựng, thực hành đạo đức, văn hoá kinh doanh, lấy đó làm sức mạnh mềm để cạnh tranh và phát triển bền vững.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đề nghị, sau hội thảo này, các ban, đơn vị chuyên môn của VCCI tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hội đồng DN gia đình Việt Nam để tiếp tục nghiên cứu, đưa ra những khuyến nghị về xây dựng văn hóa DN gia đình Việt Nam và vận động các DN gia đình, trước tiên là các DN thành viên của Hội đồng, thực hiện tại các DN của mình, từ đó, có thể tham vấn về chính sách pháp luật cho Quốc hội và Chính phủ nhằm phát triển cộng đồng DN gia đình Việt Nam.
Tại Hội thảo, các chủ tịch hiệp hội, chuyên gia đã chia sẻ về xây dựng và định vị văn hóa DN gia đình, xây dựng văn hoá gia đình doanh nhân, xây dựng người kế nghiệp trong các DN gia đình.
Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Hội đồng DN Gia đình Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái khẳng định: Doanh nhân Việt cùng với gia đình của mình có đủ bản lĩnh, tâm tài trí để phát triển và đã sẵn sàng gánh vác sứ mệnh tiên phong phát triển kinh tế, với tinh thần tự cường, tự tôn dân tộc và khát vọng nâng cao vị thế của đất nước trở thành một quốc gia độc lập hùng cường và thịnh vượng".
Sau 37 năm đổi mới, nước ta đã hình thành đội ngũ doanh nhân, DN hùng hậu, với số lượng trên 900 nghìn DN, trên 20 nghìn hợp tác xã (HTX) và trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Lực lượng doanh nhân, DN này đã góp phần quan trọng trong thực hiện đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế, góp phần đưa nước ta từ một quốc gia kém phát triển, lạc hậu thành nền kinh tế lớn thứ 37 của thế giới, nằm trong TOP20 quốc gia có quy mô thương mại quốc tế lớn nhất thế giới. DN gia đình là một bộ phận quan trọng, chưa kể trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể có thể coi là các DN gia đình siêu nhỏ. Việc tăng cường xây dựng văn hóa DN gia đình sẽ góp phần thúc đẩy văn hóa kinh doanh tạo nền tảng cho việc phát triển đội ngũ doanh nhân, DN vững mạnh xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc và trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045 như Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đã đề ra.
Phân tích về một số thách thức với DN gia đình, bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch Công ty TNHH Deloitte Việt Nam thẳng thắn cho rằng: Các DN gia đình truyền thống của Việt Nam bên cạnh những ưu điểm còn có những rào cản để nâng tầm phát triển. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện tại, nếu văn hóa DN gia đình thực hiện chuyển giao, kế thừa, quản trị công ty vẫn theo lối thứ bậc một cách cổ điển như: Ưu tiên con cả hơn con thứ, con trai hơn con gái...mà không dựa chủ yếu trên năng lực làm việc, điều hành sẽ khó duy trì giá trị tổ chức, khó phát triển.
Bên cạnh đó, đại diện Deloitte Việt Nam cho hay "việc chuyển giao thế hệ DN gia đình thành công ít hơn là đổ bể".
Với vai trò tư vấn hỗ trợ tính minh bạch cho quản trị công ty, bà Hà Thị Thu Thanh chia sẻ một thực tế là đôi khi phải sử dụng quy định về thừa kế ngay cả khi ông chủ còn sống để giải quyết nhiều vụ tranh chấp trong gia đình không đáng có.
Một trong những nguyên nhân chuyển giao thế hệ không thành công, đó là vấn đề trong văn hóa trong DN gia đình. Với DN gia đình theo phong cách phương Đông truyền thống thì lãnh đạo đôi khi vẫn thiên về cảm tính, thường linh hoạt về thời gian, đôi khi né tránh khi có bất đồng, tin tưởng dựa trên mối quan hệ nhiều hơn là hoàn thành công việc.
"Với Phương Tây, lãnh đạo DN gia đình thường đánh giá trên các yếu tố đánh giá đo lường văn hóa gia đình như giao tiếp truyền thông, khả năng thuyết phục, dẫn dắt, ra quyết định... Phương Tây có sự đánh giá thẳng thắn hơn trong DN gia đình, cứ có tầm nhìn, hoàn thành tốt nhiệm vụ, tôn trọng giá trị của tổ chức, hiệu quả tối đa cho tổ chức là được", bà Hà Thị Thu Thanh khuyến nghị về vấn đề chuyển giao thế hệ trong các DN gia đình.
Anh Minh