Thủ tướng nhấn mạnh: Các chương trình nhà ở cho người dân có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của nhân dân. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Từ thực tiễn thực hiện chương trình, nhiều bài học kinh nghiệm lớn đã được rút ra.
Thứ nhất, xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL là chương trình trọng điểm, có tính chiến lược của Chính phủ. Chương trình được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan trong việc hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương thực hiện; sự thống nhất, quyết tâm cao của các địa phương trong chỉ đạo triển khai thực hiện. Đây cũng là chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhận được sự đồng tình và ủng hộ rộng rãi của nhân dân - điều kiện quan trọng bảo đảm sự thành công của chương trình.
Thứ hai, chương trình đã xác định được mô hình vượt lũ đúng, giải pháp quy hoạch hợp lý và đặc biệt là phù hợp với tập quán sinh hoạt của người dân, cũng như điều kiện kinh tế - xã hội của toàn vùng.
Sau nhiều mô hình xây nhà vượt lũ được thực hiện không thành công (mô hình nhà nổi, nhà trên cọc...), mô hình tôn nền vượt lũ thông qua việc hình thành các tuyến dân cư kết hợp với đường giao thông, cụm dân cư ở vùng ngập sâu, xây dựng bờ bao khu dân cư hiện hữu ở vùng ngập nông... đã chứng tỏ sự phù hợp, bền vững và khả thi nhất trong các mô hình vượt lũ cho vùng ĐBSCL. Mô hình này không chỉ phù hợp với tình hình hiện tại mà còn hướng tới tương lai phục vụ cho chương trình phát triển toàn diện, bền vững vùng ĐBSCL.
Thứ ba, cơ chế, chính sách áp dụng cho chương trình được xây dựng chi tiết, cụ thể, phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước, điều kiện kinh tế - xã hội của khu vực dự án và khả năng đóng góp của các hộ dân, đáp ứng nguyện vọng của người dân vùng ngập lũ.
Trong đó, Chính phủ đầu tư vốn để tôn nền, xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu (chiếm khoảng 50% tổng vốn đầu tư xây dựng các cụm, tuyến) và 100% vốn xây dựng các bờ bao khu dân cư hiện hữu. Người dân được vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam để mua nền nhà với lãi suất 0%/năm, thời gian vay 10 năm; được vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội để xây nhà với lãi suất 3%/năm, thời gian vay 10 năm, trong đó có 5 năm ân hạn. Tính cả 2 giai đoạn, Chính phủ đã bố trí 9.207 tỷ đồng để thực hiện chương trình, trong đó có 3.270 tỷ đồng cho giai đoạn 2.
Thứ tư, trong quá trình triển khai thực hiện, các đơn vị liên quan đã bám sát mục tiêu, yêu cầu của chương trình để tiến hành lập kế hoạch, tiến độ và đề ra biện pháp thực hiện phù hợp, có hiệu quả. Coi trọng công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo yêu cầu tiến độ và đảm bảo chất lượng xây dựng công trình. Có biện pháp phòng ngừa các hiện tượng gây lãng phí và làm thất thoát vốn đầu tư.
Cùng với đó là thường xuyên tiến hành việc sơ kết rút kinh nghiệm, phát hiện kịp thời những vấn đề khó khăn, vướng mắc để có biện pháp tháo gỡ; nghiên cứu, đề xuất trình các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung những nội dung các cơ chế, chính sách chưa phù hợp với thực tế.
Phát biểu gợi ý thảo luận tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL là 1 trong 3 chương trình nhà ở trọng điểm được Chính phủ chỉ đạo (chương trình nhà ở cho người nghèo, chương trình nhà ở cho đồng bào ngập lũ ở miền Trung và chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL). Trong đó, chương trình nhà ở cho người nghèo là chương trình có độ bao phủ rộng nhất và đã đem lại những kết quả tích cực, trong đó giai đoạn 1 đã thực hiện được cho 500.000 hộ.
“Các chương trình nhà ở cho người dân là những chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của nhân dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn các đại biểu tiếp tục đánh giá, làm rõ những kết quả đạt được, những hạn chế, tồn tại, vướng mắc của chương trình nhà ở cho đồng bào vùng ngập lũ ở miền Trung và chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL, đồng thời khẳng định những mặt làm được, những gì chưa hoàn thành để đề xuất những giải pháp thực hiện hiệu quả.
Nguyễn Hoàng