In bài viết

Xây trái phép trong hành lang bảo vệ sông, suối bị phạt thế nào?

(Chinhphu.vn) - Bà Phan Thị Trung (Tây Ninh) hỏi, hành vi xây hàng rào trong phạm vi hành lang bảo vệ sông suối (chưa gây sạt, lở) thì xử lý như thế nào? Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt như thế nào và áp dụng văn bản nào?

14/03/2023 08:02

Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời vấn đề này như sau:

Việc xây dựng (xây dựng công trình, vật kiến trúc,…) trong hành lang bảo vệ nguồn nước phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền có ý kiến trước khi xây dựng (Khoản 2 Điều 15 Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 6/5/2015 của Chính phủ quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước).

Trường hợp xây dựng công trình, vật kiến trúc nổi trên sông, xây dựng cầu, cảng sông, bến tàu, phà tiếp nhận tàu và các công trình thủy khác trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước phải bảo đảm các yêu cầu quy định tại Điều 14 và Điều 19 Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/2/2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông.

Hiện tại, pháp luật quy định về xử lý vi phạm hành chính đối với việc xây dựng (xây dựng công trình, vật kiến trúc,…) trong hành lang bảo vệ nguồn nước gây sạt, lở bờ sông, suối, kênh.

Về thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt và các văn bản pháp luật áp dụng: Trường hợp vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều người, thì việc xử phạt vi phạm hành chính do người thụ lý đầu tiên thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 52 Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13.

Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính quy định tại Điều 69 và thẩm quyền xử phạt quy định tại các Điều 63, 64, 65, 66, 67, 68 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 04/2022/NĐ-CP ngày 6/1/2022 của Chính phủ.

Đăng Khôi