In bài viết

Xe bán tải được phép đi ở làn đường nào?

(Chinhphu.vn) – Để tham gia giao thông được thuận tiện và an toàn, người tham gia giao thông cần căn cứ các đặc điểm kỹ thuật và tải trọng của phương tiện, so sánh, đối chiếu với quy định về báo hiệu đường bộ để xác định lưu thông trên làn đường phù hợp.

22/08/2015 08:02

Ông Lê Quang Hoà (hoalequang61@...) đang sử dụng xe bán tải (pickup cabin kép). Qua tham khảo các quy định về phân loại xe, ông Hòa cho rằng, xe bán tải thuộc dòng ô tô con, có thể đi vào làn đường dành cho ô tô con.

Tuy nhiên hiện nhiều người điều khiển xe bán tải vẫn bị xử phạt vi phạm giao thông với lỗi đi sai làn đường vì cảnh sát giao thông cho rằng xe bán tải phải đi ở làn đường dành cho xe tải.

Cũng liên quan đến vấn đề này, bà Đỗ Hoàng Thu (thu.dh1978@...) có một xe ô tô bán tải nhãn hiệu Ford Ranger. Qua tham khảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ 41:2012/BGTVT, bà Thu cũng cho rằng, xe bán tải có thể đi vào làn đường dành cho ô tô con.

Qua Cổng TTĐT Chính phủ, ông Hoà và bà Thu đề nghị  cơ quan chức năng giải đáp, xe bán tải có được phép đi vào làn đường dành cho ô tô con không?

Về vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải trả lời như sau:

Việc phân loại ô tô theo mục đích sử dụng đối với ô tô chở người, ô tô chở hàng và ô tô chuyên dùng được áp dụng theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7271:2003 (Sửa đổi 2: 2010) “Phương tiện giao thông đường bộ - Ô tô - Phân loại theo mục đích sử dụng” do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố theo Quyết định số 2431/QĐ-BKHCN ngày 8/11/2010.

Theo đó, Điều 3.1.1 sửa đổi 2:2010 TCVN 7271:2003 quy định, “Ôtô con” có các đặc điểm sau: Ô tô chở người có số chỗ ngồi bao gồm cả chỗ người lái không nhiều hơn 9; Ô tô Pickup chở người có ít nhất một đặc điểm khác với ô tô Pickup chở hàng nêu tại 3.2.7 (ô tô pickup chở hàng cabin đơn) và 3.2.8 (ô tô pickup chở hàng cabin kép)….

Tại Điều 3.2.8 sửa đổi 2:2010 TCVN 7271:2003, “Ô tô PICK UP chở hàng ca bin kép” có các đặc điểm sau:

- Thùng hàng dạng hở (có thể có mui phủ) hoặc dạng kín, có thể liền hoặc không liền thân với ca bin, có bố trí cửa để xếp, dỡ hàng.

- Trong ca bin có bố trí hai hàng ghế, có số chỗ ngồi kể cả chỗ ngồi của người lái không lớn hơn 5.

- Thùng hàng không có trang bị tiện nghi và nội thất phục vụ chở người.

- Diện tích hữu ích của sàn thùng hàng (Fh) không nhỏ hơn 1 m2 (xác định như Phụ lục A của TCVN 7271: 2003).

- Tổng khối lượng hàng hóa cho phép chở (mh) phải lớn hơn tổng khối lượng của số người cho phép chở (mng) được tính theo tỷ lệ sau:

Mng/Mhg x100% ≤ 80%

Trong đó: mng = 65 kg/người x số chỗ ngồi

Công tác tổ chức giao thông và phân luồng các loại phương tiện lưu thông trên đường được áp dụng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2012/BGTVT ban hành kèm theo Thông tư số 17/2012/TT-BGTVT ngày 29/5/2012. Theo đó:

Khoản 4.23 Điều 4 quy định: “Ôtô con là chỉ ôtô chở người không quá 9 chỗ ngồi kể cả lái xe, hoặc ôtô chở hàng với trọng tải không quá 1,5 tấn. Ôtô con bao gồm cả các loại có kết cấu như môtô ba bánh nhưng khối lượng bản thân lớn hơn 400kg trở lên và trọng tải không quá 1,5 tấn.”.

Khoản 4.24 Điều 4 quy định: “Ôtô tải là chỉ ôtô chở hàng hoặc thiết bị chuyên dùng có trọng tải từ 1,5 tấn trở lên.”.

Khoản 84.1 Điều 84 quy định: “Tất cả những người sử dụng đường bộ, những người tham gia giao thông và những người điều khiển các loại phương tiện tham gia giao thông trên đường bộ đều phải tuyệt đối chấp hành Quy chuẩn này”.

Các quy định nêu trên trong Quy chuẩn QCVN 41:2012/BGTVT không áp dụng cho các lĩnh vực khác (công tác đăng kiểm, công tác tính thuế xuất nhập khẩu…).

Do vậy, để tham gia giao thông được thuận tiện và an toàn, người tham gia giao thông cần căn cứ vào các đặc điểm kỹ thuật và tải trọng của phương tiện, so sánh, đối chiếu với quy định nêu trên để xác định lưu thông trên làn đường cho phù hợp.

Chinhphu.vn