In bài viết

Xe vận tải nội bộ sẽ không phải gắn phù hiệu

(Chinhphu.vn) – Theo Bộ Giao thông vận tải, tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, đã bỏ quy định đối với xe vận tải nội bộ, trong đó bao gồm cả việc cấp giấy phép kinh doanh vận tải và phù hiệu cho phương tiện.

17/09/2018 10:02

Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Công ty TNHH MTV Sang Tân Tiến phản ánh, Nghị định 86/2014/NĐ-CP quy định việc gắn phù hiệu lên xe vận chuyển hàng hoá dù xe đã lắp thiết bị giám sát hành trình còn bất cập vì trường hợp doanh nghiệp chở hàng hoá cho chính mình, không kinh doanh vận tải thì không cần phải gắn phù hiệu, chỉ cần thanh tra giao thông hoặc cảnh sát giao thông dừng xe và kiểm tra xe có gắn thiết bị giám sát hành trình hay không là được.

Việc yêu cầu doanh nghiệp phải gắn phù hiệu xe đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải đi đăng ký kinh doanh vận tải dù doanh nghiệp không hề kinh doanh lĩnh vực đó. Do đó, Công ty TNHH MTV Sang Tân Tiến kiến nghị nên sửa lại quy định gắn phù hiệu cho xe doanh nghiệp chở hàng phục vụ cho nhu cầu của công ty mình.

Về vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải trả lời như sau:

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 24 Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/204 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thì đã giao Bộ Giao thông vận tải “quy định cụ thể về việc quản lý và cấp phù hiệu cho xe ô tô vận tải trung chuyển hành khách, vận tải hành khách nội bộ; lộ trình và đối tượng đơn vị kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp phải cấp Giấy phép kinh doanh”.

Khoản 1 Điều 50 Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT ngày 7/1/2014 của Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, đã quy định cụ thể:

“1. Đơn vị kinh doanh vận tải hàng hoá không thu tiền trực tiếp phải được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thuộc một trong các đối tượng sau đây:

a) Sử dụng phương tiện để vận chuyển hàng nguy hiểm theo quy định của Chính phủ về danh mục hàng nguy hiểm, vận chuyển hàng nguy hiểm và thẩm quyền cấp phép vận chuyển hàng nguy hiểm.

b) Sử dụng phương tiện để vận chueyenr hàng siêu trường, siêu trọng theo quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng; giới hạn xếp hàng hoá trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông đường bộ.

c) Có từ 5 xe trở lên.

d) Sử dụng phương tiện có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông từ 10 tấn trở lên để vận chuyển hàng hoá.”

Trên cơ sở các quy định nêu trên thì đơn vị kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp sử dụng phương tiện có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông dưới 10 tấn để vận chuyển hàng hoá và có số lượng dưới 5 xe không thuộc đối tượng phải cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, phù hiệu và gắn thiết bị giám sát hành trình.

Bộ Giao thông vận tải đã tiếp thu ý kiến của Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp góp ý đối với nội dung quản lý xe vận tải nội bộ (trong đó bao gồm cả việc cấp giấy phép kinh doanh vận tải và phù hiệu cho phương tiện). 

Theo đó tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (trình Chính phủ tại Tờ trình số 8354/TTr-BGTVT ngày 31/7/2018) thì đã bỏ quy định đối với xe vận tải nội bộ do đối tượng này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP.

Chinhphu.vn